Fintech: Các định chế tài chính thế giới phản ứng ra sao trước làn sóng Fintech (phần 3)

Trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của Fintech lên ngành dịch vụ tài chính, các định chế tài chính khắp thế giới tất nhiên đã không ngồi yên mà tích cực tìm giải pháp để chủ động hơn, linh hoạt đối phó với những tình thế mới.

16267_shutterstock_230958073-2.png

Nhận định và chiến lược

 

Hợp tác

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty kiểm toán toàn cầu Pricewaterhouse Coopers (PwC) với tựa đề “Vẽ lại ranh giới: Ảnh hưởng ngày càng lớn của FinTech lên ngành Dịch vụ tài chính”, phần lớn các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty quản lý đầu tư trên thế giới có dự định tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp FinTech trong 3 - 5 năm tới.

Sự hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống và các công ty FinTech xuất phát chủ yếu từ quan ngại rằng, doanh thu của các tổ chức tài chính truyền thống sẽ rơi vào tay các công ty FinTech độc lập. Theo khảo sát, có tới 88% số công ty được hỏi cho rằng, các công ty Fintech là một mối đe dọa thực sự.

Tuy nhiên, các định chế tài chính dần coi Fintech là cơ hội nhiều hơn là thách thức. Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát cũng của PwC cho thấy trong năm 2017, tỉ lệ coi các công ty Fintech là mối đe dọa đã giảm xuống gần 10% so với năm trước đó.

Giữa hai bên đang hình thành một nhận thức chung: các công ty khởi nghiệp FinTech cần khả năng tiếp cận vốn và nguồn khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống. Các công ty tài chính lớn thì coi FinTech là chìa khóa giúp họ giải quyết các vấn đề về công nghệ hay truyền thông. Và do đó, chiến lược hợp tác với công ty Fintech đã trở thành phương án tất yếu ở nhiều định chế tài chính lớn.

 

Chủ động

Gần như tất cả các định chế tài chính lớn trên thế giới đều nhận định Fintech sẽ tác động to lớn đến kết quả kinh doanh của họ trong tương lai. Và tất nhiên, với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm thương trường lâu năm, các tổ chức này không chỉ chờ đợi từ sự hợp tác với các công ty Fintech.

Rất nhiều tổ chức chủ động đầu tư trong lĩnh vực công nghệ dịch vụ tài chính, cải thiện hệ thống, hoặc trực tiếp lập công ty Fintech và nghiên cứu phát triển sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lợi thế trước các đối thủ truyền thống cũng như đối thủ mới.

 
 
irish-fintech-survey-quote-background-2017.jpg

Những hành động cụ thể  

Nâng cấp công nghệ gần như là một cuộc ‘chạy đua’ của tất cả các ngân hàng trên thế giới. Hầu hết các sản phẩm của kỉ nguyên số đều được ứng dụng tại các ngân hàng, như mPOS, internet banking, mobile banking, tablet-banking, công nghệ thẻ chip…

Theo số liệu của ngân hàng thế giới, ngân sách chung cho công nghệ trong các ngân hàng trên toàn thế giới tăng trung bình 5-6%/năm. Tổng chi phí cho công nghệ thông tin của các ngân hàng trên toàn cầu đã vượt 430 tỉ đô la năm 2016 và dự kiến sẽ lên trên 500 tỉ vào năm 2020.

shutterstock_insurance_Ahmetov_Ruslan.png

Những hạng mục được đầu tư nhiều nhất là ngân hàng kĩ thuật số và thanh toán di động, với mức tăng hàng năm từ 6-7%, đầu tư cho hệ thống quản lý dữ liệu khách hàng tăng khoảng 5.5 - 5.7%/ năm, ngoài ra là các bộ phận khác như kênh Omnichannel (một dạng tổng hợp hệ thống các kênh giao dịch với khách hàng), an ninh mạng, công nghệ ngân hàng lõi, đám mây cá nhân, quản trị rủi ro… cũng được tăng cường đầu tư.

Ngoài đầu tư trực tiếp cho công nghệ mới trong nội bộ, các định chế tài chính nói riêng và ngân hàng nói chung cũng đầu tư cho các quĩ nghiên cứu phát triển Fintech và các công ty khởi nghiệp Fintech.

Điển hình, các ngân hàng lớn như Goldman Sachs, Citybank, Standard Chartered, DBS, Commonwealth Bank đều có các bộ phận chuyên nghiệp để thiết lập và ươm mầm cho các dự án Fintech.

Theo báo cáo mới nhất của Hãng kiểm toán KPMG và CB Insights (công ty chuyên cung cấp dữ liệu về đầu tư mạo hiểm), trên 50% số tiền đầu tư vào các startup Fintech trong giai đoạn tháng 2015 - 2016 tới từ các định chế tài chính và con số này đang tăng lên. Riêng năm 2016, các định chế tài chính đóng góp 60% tổng số tiền đầu tư (khoảng 12 tỷ USD) cho các công ty Fintech trên toàn cầu.

Goldman_Sachs_expands_in_Warsaw_1.jpg

Godman Sachs được xem là nhà đầu tư nhanh nhẹn nhất trong số các ngân hàng truyền thống, khi tiến hành 11 thương vụ đầu tư vào các công ty Fintech trong giai đoạn cuối 2015 đến giữa năm 2016.

 

Santander và Citigroup mỗi ngân hàng rót vốn đầu tư trong 7 thương vụ ở giai đoạn này. Ngân hàng Deutsche Bank cũng lên kế hoạch đầu tư 750 triệu Euro (570 triệu USD) vào các sản phẩm lĩnh vực công nghệ tài chính và dịch vụ tư vấn cho tới năm 2020.

Không chỉ các ngân hàng châu Âu và Mỹ nóng lòng muốn đầu tư vào lĩnh vực fintech, các nhà băng châu Á cũng đang gia tăng sự hiện diện tại lĩnh vực công nghệ tài chính, bằng cách thâu tóm các hãng công nghệ, tham gia các chương trình hỗ trợ công ty Fintech, đầu tư…

Trong các khu vực, Fintech tại châu Á có sức hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu. Theo báo cáo của KPMG, năm 2016, trong số gần 12 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào các startup Fintech tại châu Á, vốn từ các ngân hàng và các định chế tài chính toàn cầu đã chiếm đến hơn 80%.

 
 

Các tổ chức tài chính tại Việt nam: nhập cuộc nhưng còn ‘từ tốn’

Không nằm ngoài guồng quay của thế giới, các định chế tài chính tại Việt nam cũng nhận định rõ tầm quan trọng và ảnh hưởng ngày càng lớn của Fintech trong hoạt động kinh doanh tài chính. Hệ thống internet banking, mobile banking… đã và đang được hoàn thiện ở hầu hết các ngân hàng. Các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm cũng tích cực dành ngân sách cho công nghệ đặc biệt trong các mảng an ninh mạng, quản trị khách hàng.

Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng và các tổ chức tài chính tại Việt nam tập trung vào khâu nâng cao năng lực công nghệ trong chính nội tại tổ chức hơn là chủ động phát triển các sản phẩm Fintech mới hay đầu tư vào các công ty Fintech.

 
images1745325_Masterpass___Mastercard.jpg

Các công ty Fintech, chủ thể mới tham gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cũng chưa hoạt động mạnh ở Việt nam.

Chẳng hạn trong lĩnh vực ngân hàng, hiện ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới cấp giấy phép cho khoảng trên 20 tổ chức không phải là ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.

Có rất nhiều lý do để các định chế tài chính trước mắt chỉ ‘chạy vòng ngoài’ trong Fintech. Nguyên nhân xuất phát từ qui mô thị trường, từ năng lực và ngân sách tài chính của doanh nghiệp, từ hành vi của khách hàng…

Nhưng những nguyên nhân quan trọng nhất vẫn xuất phát từ đặc thù của thị trường Việt nam. Các mô hình giao dịch ngân hàng và dịch vụ tài chính truyền thống trước mắt vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhất là khi các mô hình Fintech hiện nay tại Việt Nam còn rất sơ khai chưa đủ lực cạnh tranh với mô hình truyền thống.

 
thumbnail_16x9_anh-1-bgod.jpg

Các dịch vụ khác của mô hình Fintech như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trước mắt vẫn khó phát triển do đặc thù người dân Việt Nam còn rất nghi ngại và thiếu sự tin tưởng với các dịch vụ này qua môi trường mạng điện tử.

Ngoài ra, việc quản lý cũng như cung cấp các thông tin đầu vào về công dân, hồ sơ cá nhân tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong khi đây lại là một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc phát triển các dịch vụ theo mô hình Fintech.

Một vấn đề nữa là các quy định, luật lệ chưa minh bạch, hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của các công ty Fintech, nên rủi ro về pháp lý cho một số dịch vụ của mô hình Fintech là hiện hữu.

Vì vậy, với các định chế tài chính tại Việt nam, các kênh giao dịch truyền thống vẫn đang là lựa chọn được ưu tiên. Tuy nhiên với sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ Fintech trên thế giới, sự phổ biến ngày càng lớn của internet và tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt nam như hiện nay, chắc chắn các tổ chức này sẽ sớm phải xem xét và tham gia đầy đủ, toàn diện hơn nữa vào phạm trù Fintech.

Đ.K. Hà

Phần 1: Fintech: Những thông tin cơ bản nhất về Fintech

Phần 2: Fintech: Fintech: Một số sản phẩm Fintech tiêu biểu

Đón đọc phần 4: Fintech: Startup Fintech tại Việt nam nên làm thế nào?