Nông nghiệp mới - Bài 4: Nông nghiệp công nghệ cao ở Việt nam – lối đi nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Mất mùa, hạn hán, ngập mặn, lũ lụt… Năm nào cũng vậy, đâu đó trên đất nước này người nông dân lại phải gồng mình vật lộn với thiên tai và thời tiết. Rủi ro trong nghề nông dường như luôn thường trực.
Danh sách những cuộc giải cứu dưa hấu, cà chua, thanh long, lợn, vịt… cứ mỗi ngày một nhiều và khó khăn không khi nào thôi đeo bám người nông dân.
Trước thực trạng này, không chỉ chính quyền, các chuyên gia mà tất cả mọi người đều nhận thấy con đường của tương lai tất yếu phải là nông nghiệp công nghệ cao.
Công nghệ cao sẽ giúp nông nghiệp bớt phụ thuộc vào thời tiết, giảm lao động tay chân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang tập trung qui mô lớn, kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng suất, chủ động trong cả qui trình. Con đường đó nhiều quốc gia trên thế giới đã đi, đã thành công, và cũng là con đường trọng yếu cho nước Việt.
Khái niệm NNCNC đã được nhắc đến từ những năm 2000, tuy nhiên do nhiều yếu tố, chỉ đến năm 2004 một số doanh nghiệp mới dè dặt áp dụng ở Lâm Đồng, Cần Thơ.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế và khoa học phát triển hơn, khả năng tài chính tốt hơn, nhận thức về NNCNC tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh những cảnh báo trầm trọng trong vấn đề an toàn thực phẩm tăng lên, nhiều tỉnh thành và doanh nghiệp cả nước mới chính thức bắt tay vào chiến dịch đầu tư cho NNCNC.
Hiện cả nước có 29 Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở 12 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 7 khu đã đi vào hoạt động, tập trung vào khâu nhân giống và phát triển ở 3 lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi.
Chính phủ cũng có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp CNC, điển hình là các chính sách về đất đai, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng mới thông qua gần đây, hay mức thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh NNCNC đang được dự thảo ban hành…
Rất nhiều công ty lớn ngoài ngành đã nhận thấy sự tiềm năng của ngành NNCNC và không bỏ lỡ cơ hội tham gia thị trường này. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư nông nghiệp bài bản với quy mô lớn như Vingroup, PAN Group, Hoàng Anh Gia Lai, Lộc Trời, NutiFood, Dalat Hasfarm, Ecofarm…
Mới đây, Lộc Trời đã kí kết đầu tư 7.800 tỷ đồng vận hành chuỗi khép kín trên diện tích đất 2.000ha tại Thái Bình.
Ngoài ra là hàng loạt cái tên trong và ngoài ngành khác cũng đang ráo riết nghiên cứu, đầu tư NNCNC như tập đoàn FPT, công ty Elcom, Vinaseed, Thaco, Mía đường Lam Sơn,...
Các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và đặc biệt các dự án khởi nghiệp NNCNC cũng rất sôi nổi trong thời gian gần đây. Tại một cuộc thi khởi nghiệp khá lớn năm 2017, cả 5 dự án vào chung kết đều là dự án nông nghiệp công nghệ cao! Dễ thấy, không khí đầu tư NNCNC trên toàn quốc hiện đang khá ‘nóng’.
Các ứng dụng khoa học công nghệ đã được tận dụng linh hoạt, năng động trong nông nghiệp và tạo những chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Việt nam.
Đã có nhiều vùng người nông dân ủng hộ chính sách tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư qui mô lớn và đồng bộ.
Dễ thấy các ứng dụng nhà kính, tưới tiêu, công nghệ gene, theo dõi mã cây trồng vật nuôi… được áp dụng rộng rãi trong nhiều trang trại ở Việt nam hiện nay.
Tỉ lệ đóng góp GDP của nông nghiệp cho nền kinh tế hiện đạt 22% và tỉ lệ xuất khẩu tăng lên 23 - 35%, trong khi tỉ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 50%.
Đó là những bước tiến khá rõ nét, tuy nhiên nếu nhìn trên bản đồ NNCNC thế giới với những thành tựu và hiệu quả cụ thể, có thể thấy Việt nam vẫn còn đứng đoạn cuối trên con đường công nghệ hóa nông nghiệp.
Rất nhiều khó khăn cản trở các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và chinh phục NNCNC, điển hình như đầu ra chưa đảm bảo, năng lực công nghệ khoa học yếu kém, nhân lực có tay nghề và trình độ trong ngành thiếu trầm trọng, không có quỹ đất lớn để sản xuất, hợp tác với nông dân còn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ hợp đồng yếu, hệ thống cung cấp vốn cho doanh nghiệp chưa phát triển, tiếp cận các chính sách ưu đãi còn nhiều trở ngại...
Có thể nói, đầu tư NNCNC ở Việt nam còn muôn vàn khó khăn dù đã có những thành công bước đầu.
Theo số liệu điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cả nước có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chỉ chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.
Trong số đó, 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn dưới 10 tỉ đồng. Đặc biệt trên 80% doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và áp dụng NNCNC.
Trong khi một số doanh nghiệp lớn đã hái được ‘trái ngọt’ nhờ NNCNC, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn loay hoay trước cơn lốc công nghệ.
Ngoài những khó khăn chung cho cả ngành nông nghiệp Việt nam, các doanh nghiệp này còn phải đương đầu với nhiều bài toán khó về vốn, công nghệ, năng lực của doanh nghiệp, và thực trạng thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn và thông minh hơn.
Tuy nhiên, trong khó khăn đôi khi lại là cơ hội. Chẳng hạn việc người tiêu dùng đòi hỏi chất lượng an toàn thực phẩm cao hơn chính là một thách thức lớn và một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có thể bật lên chiếm lĩnh thị trường nếu chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Hay việc các doanh nghiệp gặp khó về quĩ đất lại là cơ hội cho doanh nghiệp nào thuyết phục được, tạo dựng được niềm tin từ phía nông dân. Vì thế nhiều chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công cuộc NNCNC như sau:
Không phải vô cớ mà các doanh nghiệp lớn, nhiều tiềm lực đã thu được những thành công hơn trong NNCNC hiện nay.
Việc phát triển NNCNC đòi hỏi vốn lớn, kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ phù hợp, nhân sự trình độ cao, có khả năng phân phối sản phẩm ra thị trường.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể đủ sức tự mình hoàn thành hết các yếu tố quan trọng này, vì vậy giải pháp liên kết chuỗi doanh nghiệp đối tác chiến lược nên được cân nhắc đầu tiên.
Mỗi doanh nghiệp chỉ tập trung trong khâu thế mạnh của mình, đó có thể là khâu giống, sản phẩm, chế biến, giao nhận, hay tiêu thụ, tạo thành một vòng tròn đối tác khép kín như những công ty con trong một tổng công ty lớn.
Các đối tác trong hệ thống có những ưu đãi chung dành cho nhau và có chính sách chung nhất định, thậm chí hỗ trợ nhau khi khó khăn để nâng cao vị thế và giúp nhau cạnh tranh trên thương trường.
Tuy nhiên, hạn chế của giải pháp này là các doanh nghiệp khó lựa chọn được đối tác đồng đều với mình ở mọi khâu, mọi khu vực, và thường doanh nghiệp không đủ vững vàng đặt niềm tin vào chỉ 1 hay 2 đối tác trong các khâu nhất định, nên phương thức này mặc dù đã có vài doanh nghiệp áp dụng nhưng chưa trọn vẹn và cũng chưa mấy thành công ở Việt nam.
Như trên đã phân tích, rất nhiều khi khó khăn lại đem đến cơ hội cho doanh nghiệp. Dù doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng áp dụng công nghệ cao ít hơn so với các doanh nghiệp lớn, nhưng công nghệ cũng đem đến cho các doanh nghiệp mặt bằng cạnh tranh tương đối rõ ràng và bằng phẳng.
Đừng lùi về quá sâu với những phương cách phân phối sản phẩm truyền thống và bạn hàng truyền thống vì thiếu tự tin. Hãy tích cực đầu tư nghiên cứu thị trường, sử dụng tiện ích mạng xã hội để khảo sát thị trường với chi phí hợp lý và đội chính xác cao.
Đặc biệt doanh nghiệp nên chủ động tận dụng thương mại điện tử để giải quyết đầu ra – vấn đề vốn được coi là khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp.
Đôi khi, trong thương mại điện tử, nếu có bí quyết và chiến lược đúng đắn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn có cơ hội chiến thắng các đối thủ lớn rất dễ dàng.
Lợi thế của người đi sau là có thể học tập thành công cũng như rút kinh nghiệm từ những thất bại của người đi trước.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt nam có thể tham khảo mô hình phát triển của các công ty tương tự trong những nước có nền nông nghiệp công nghệ cao như Isarel, Hà Lan, Mỹ… và thay đổi, vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện của mình.
Thế giới này rộng lớn và chắc chắn ở nhiều nơi có nhiều doanh nghiệp nhỏ đã uyển chuyển lựa mình để gặt hái thành công, cạnh tranh được với các ông lớn trong thế giới phẳng và hiện đại.
Việc của chúng ta là tìm hiểu cách thức làm việc của các doanh nghiệp ấy, học tập họ, từ đó xây dựng những chiến lược, mô hình phù hợp với Việt nam nhất cho doanh nghiệp của mình.
Chẳng hạn với cùng điều kiện không có diện tích đất canh tác lớn, các doanh nghiệp Israel đã liên kết với nhau thành vùng NNCNC, làng NNCNC để đủ năng lực xuất khẩu ra thế giới.
Hay một số doanh nghiệp tập trung cung cấp công nghệ, đào tạo nông dân, còn lại giao cho người nông dân tự chịu trách nhiệm với chất lượng và khối lượng sản phẩm…
Công nghệ ở đây không chỉ là các ứng dụng công nghệ, các phương thức, qui trình sản xuất tiên tiến hiện đại, mà còn bao gồm cả các tiêu chí, tiêu chuẩn đối với sản phẩm và qui trình sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp.
Càng tiến xa hơn trong NNCNC, người ta càng đòi hỏi các tiêu chí cao hơn, rõ ràng hơn. Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các tiêu chí, yêu cầu của người tiêu dùng trên thế giới đối với sản phẩm của mình và không ngừng hoàn thiện để đạt trên những tiêu chí đó.
Cho dù là doanh nghiệp nhỏ, thị trường chắc chắn cũng không đặt các ‘ưu tiên’ giảm bớt các tiêu chí này, và doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải chủ động đáp ứng nếu như muốn bơi ra biển lớn.
Việc chủ động cập nhật các tiến bộ hay các yêu cầu trong khoa học công nghệ cũng giúp cho doanh nghiệp có cái nhìn chính xác về xu hướng phát triển NNCNC, thậm chí có thể dự báo được những sản phẩm tiềm năng trong tương lai, hay sản phẩm có thể dư thừa, thiếu hụt từ đó điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
Mặc dù NNCNC đã là xu hướng trong nông nghiệp, công nghệ cao ít nhiều được nhắc đến và áp dụng trong hầu hết các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần hết sức tỉnh táo trong cuộc chơi tốn kém này.
Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp ham năng suất và sản lượng vượt trội do công nghệ đem lại nên lao theo đầu tư sản xuất nhằm thu hoạch số lượng lớn và đưa chính sách giá rẻ. Phương thức này nhiều rủi ro với những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng với doanh nghiệp nhỏ, tốt hơn hãy tập trung vào các sản phẩm khan hiếm, giá bán cao, và có giá trị gia tăng cao. Đi theo hướng này, các doanh nghiệp cũng có thể tránh được đội ngũ đối thủ cạnh tranh đông đảo đã có sẵn công nghệ trong tay luôn hiện diện khắp thế giới.
Vốn là một trong những thách thức lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh để phát triển NNCNC doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn, ổn định nhưng thị trường ngành nông nghiệp lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nên việc vay vốn từ các ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp có thể tìm đến các quỹ đầu tư mạo hiểm, các trang gọi vốn cộng đồng, các chương trình trợ vốn của chính phủ và chính quyền địa phương.
Doanh nghiệp cũng có thể kêu gọi liên kết đầu tư, hoặc đầu tư chia sẻ lợi nhuận để dễ huy động vốn.
Thậm chí các doanh nghiệp có thể chủ động đề xuất với chính quyền để được ưu đãi về vốn bởi NNCNC đang là một trong những ngành quan trọng được khuyến khích phát triển ở nhiều địa phương hiện nay.
Đ.K. Hà