Smart City: Việt Nam còn dò dẫm
Không nằm ngoài guồng quay của thế giới, Việt Nam cũng đang phấn đấu xây dựng một số thành phố theo mô hình Smart City.
Cho đến nay ở Việt Nam đã có khoảng 10 thành phố chính thức ký kết các hợp tác với đối tác trong và ngoài nước về việc xây dựng Smart City.
Ngoài ra nhiều thành phố khác đang trong quá trình khảo sát: Hà Nội, Hạ Long, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Cà Mau…
Tổng số có trên 20 thành phố dự kiến triển khai kế hoạch Smart City tại Việt Nam.
Do đặc điểm kinh tế xã hội cũng như công ty tư vấn của các thành phố khác nhau nên mỗi thành phố có chiến lược xây dựng Smart City khác nhau.
Tuy nhiên khung kiến trúc kĩ thuật của các thành phố tại Việt Nam đều có nhiều điểm chung: ưu tiên trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, và xây dựng trên nền tảng chính quyền điện tử.
Phạm vi tác động của Smart City rất rộng trên nhiều lĩnh vực và lên toàn cộng đồng, nên thông thường các thành phố thực hiện thí điểm trước hoặc áp dụng từng phần theo từng khu vực nhất định.
Trên thực tế, đến nay mới chỉ có Đà Nẵng đã qua bước xây dựng chiến lược và thực sự bắt tay vào triển khai. Hiện Đà Nẵng đang thực hiện các dự án ở bước 1 và bước 2 về “xây dựng các hệ thống giám sát - phân tích dữ liệu” trong lộ trình gồm 3 bước (bước 3 của lộ trình là điều khiển và tự động hóa dựa trên kết quả phân tích).
Một số chương trình Đà Nẵng đã triển khai có thể kể đến như tổng đài 1022 cho phép tra cứu và ‘đặt’ làm thủ tục hành chính tại nhà; hay tổng đài nhắn tin hướng dẫn đi xe buýt, cung cấp thông tin an toàn thực phẩm trong thành phố…
Tuy nhiên, hầu hết các chương trình đều được đầu tư riêng lẻ, chưa có sự kế thừa hay dùng chung cơ sở dữ liệu nên hiệu quả còn thấp, mức độ cập nhật để sử dụng và mức độ hài lòng của người dân chưa cao. Qua đánh giá sơ bộ, nhiều chương trình chưa thuận lợi cho cả phía người thực hiện triển khai và phía người sử dụng (cộng đồng).
Nguyên nhân có thể kể ra rất nhiều. Trong đó có những nguyên nhân đã được dự báo từ trước, cũng là những thách thức chung và lâu dài cho các thành phố ở Việt Nam, chẳng hạn hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, năng suất và chất lượng lao động thấp, tiềm lực kinh tế còn yếu so với khu vực, năng lực quản trị quốc gia bao gồm qui hoạch, xây dựng chiến lược còn hạn chế, năng lực công nghệ thấp cả trong phương diện sản phẩm và con người...
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như khái niệm, tiêu chí xây dựng thành phố thông minh không rõ ràng nên không xác định được mức độ hay kết quả cần đạt được; không có kinh nghiệm triển khai; không có các đề án nghiên cứu hỗ trợ và hướng dẫn ở tầm quốc gia....
Giống như một chuyên gia đã chia sẻ, Smart City ở Việt nam đang trong giai đoạn ‘dò đường’ mà thôi.
Trong bối cảnh việc thực hiện còn nhiều lúng túng, các khó khăn hiển hiện, mà số lượng thành phố định hướng xây dựng Smart City khá lớn, nhiều chuyên gia lo ngại đó có thể trở thành ‘phong trào’ sớm thất bại như một số phong trào khác (xây dựng các trung tâm hành chính; phát triển đại học dân lập, đầu tư khu công nghiệp, cảng biển, sân bay) ở Việt nam. Nhiều khuyến nghị và giải pháp đã được đề xuất.
Đối với những vấn đề hạ tầng, kinh tế, kĩ thuật, nhân lực,… các giải pháp mang tính vĩ mô đòi hỏi sự kết hợp của nhiều chiến lược tồng thể, đã được đề xuất trong rất nhiều nghiên cứu, báo cáo, kế hoạch của nhiều tổ chức, cơ quan, chính phủ. Đó là những giải pháp trong dài hạn gắn chặt với phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia nói chung và các thành phố nói riêng.
Những giải pháp cụ thể hơn đặt trong bối cảnh thực trạng các thành phố và thực tiễn triển khai được đề xuất như sau:
Có thể bắt đầu bằng tích hợp dữ liệu hiện có để xây dựng hệ thống mới, làm nền tảng cho một quá trình quy hoạch đô thị tổng hợp mới.
Hợp tác công tư có thể là một giải pháp phù hợp trong bối cảnh các thành phố chưa đủ ngân sách cũng như nguồn lực để tự thực hiện.