Công nghệ có thể là con dao hai lưỡi cho ngành nông nghiệp

Ai cũng biết sự kì diệu của công nghệ trong việc mang lại những kết quả tuyệt vời chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng việc con người có nên vội vàng áp dụng những công nghệ mới nhất và tốt nhất hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Đặc biệt là với những hệ thống máy móc cực kỳ đắt đỏ, có thể làm việc tự động mà không cần sức người, những hệ thống này có thể không mang lại lợi nhuận cho các công ty vì chúng đội chi phí đầu vào lên rất cao.

Doanh nghiệp phải tập trung vào những công nghệ mang lại lợi nhuận. Và còn một vấn đề nữa các doanh nghiệp phải tính đến: điều gì sẽ xảy ra nếu công nghệ không hoạt động hiệu quả?

Công nghệ có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho nền kinh tế: nó có thể tạo ra nhiều điều kỳ diệu cho ngành công nghiệp tài chính hay ngành vận tải logistics. Tuy  nhiên, không phải tất cả mọi ngành kinh tế đều như nhau, và nông nghiệp là một ngành cực kỳ nhạy cảm vì phải dùng đến đất.

Trang trại Jurong Frog Farm tại Singapore là nhà cung cấp ếch Mỹ duy nhất cho thị trường nước này. Hiện lãnh đạo trang trại đang tranh luận về việc có nên áp dụng công nghệ mới, cụ thể là hệ thống tuần hoàn nước hay không.

Nguyên nhân là do chính phủ Singapore mới ban hành một chính sách mới, theo đó doanh nghiệp phải chứng minh năng lực tài chính có đủ để đầu tư cho công nghệ hay không. Nếu không thì họ không thể thắng thầu để thuê mặt bằng.

Đây là một thách thức đối với những trang trại nhỏ như Jurong Frog Farm. Giám đốc trang trại cho biết phải mất hàng trăm nghìn đô la mới lắp đặt được hệ thống nước tuần hoàn. Vì trang trại còn phải mất thêm chi phí điều chỉnh lại hệ thống cho phù hợp với nhu cầu của ếch.

“Ngay cả khi chính phủ có áp dụng chính sách trợ cấp, thì chi phí vận hành một hệ thống như vậy cũng sẽ buộc chúng tôi phải tăng giá. Mà khách hàng thì có thể dễ dàng chuyển sang mua của các trang trại khác trong khu vực, nơi có nhiều đất và nước hơn,” bà Wan, lãnh đạo trang trại chia sẻ với tờ Straits Times.

Vì là nhà cung cấp ếch Mỹ duy nhất tại Singapore, việc mất trang trại Jurong có thể ảnh hưởng tới nguồn cung ếch sống và thịt ếch cho người tiêu dùng nước này. Wan cho biết bà đang cân nhắc những công nghệ thấp hơn, bao gồm việc dựa vào những nguồn lực ở nước ngoài với lượng đất và nhân công phù hợp.

Bỏ qua vấn đề chi phí, trong trường hợp của Jurong Frog Farm, việc áp dụng công nghệ cho một ngành kinh tế quan trọng và nhạy cảm như nông nghiệp có thể rất nguy hiểm. Đặc biệt là khi hậu quả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của quốc gia.

Một ví dụ khác, việc áp dụng các hệ thống quản lý mới hay các lồng cá mới đã ảnh hưởng tới nguồn cung cấp cá. Theo cơ quan Thú Y Singapore, các nguồn cá địa phương đã giảm từ 5.272 tấn vào năm 2015 xuống còn 4.851 trong năm 2016.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, xét về lâu dài, công nghệ cũng có thể mang lại những cải tiến đáng kể cho sản lượng nông nghiệp, các trang trại cá có thể có kết quả tốt hơn trong tương lai nếu vượt qua được những trở ngại trong hệ thống.

shutterstock_530211478-1024x683.jpg

Việc áp dụng công nghệ cho ngành nông nghiệp không chỉ là vấn đề lựa chọn cá nhân, vì khí hậu toàn cầu đang thay đổi, tàn phá các hệ sinh thái tự nhiên và phá vỡ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

“Ngành nông nghiệp rất nhạy cảm với các điều kiện thời tiết. Sự thay đổi thời tiết có thể ảnh hưởng tới nguồn thực phẩm của chúng ta,” Benjamin Grandey, một nhà khoa học về khí hậu tại viện nghiên cứu công nghệ Singapore – MIT, phát biểu với tờ Straits Times.

Công nghệ có thể là một phương thức đối phó với những ảnh hưởng ngày một nặng nề hơn của việc biến đổi khí hậu. Những trang trại ở các nước như Na Uy đã bắt đầu dùng những phương pháp mới nhất như hệ thống khép kín và hệ thống canh tác trong nhà mô phỏng môi trường tự nhiên và không có nguy cơ bị ảnh hưởng do tác động khắc nghiệt của thời tiết.

Chúng ta không thể điều khiển được thời tiết. Nhưng chúng ta có thể điều khiển được cách chúng ta muốn xử lý những rủi ro. Đó chính là sức mạnh của công nghệ.

Niên Hồ (Theo techwireasia)