Xuất ngoại… “ngắm” nghề nông
Mấy năm qua, Hội Nông dân TPHCM đã tổ chức cho nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nhiều chuyến đi học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị không chỉn chu, những chuyến đi này có rất ít nội dung học tập.
Vừa “lớt lớt”…
Thực hiện chủ trương của UBND TPHCM về việc đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013-2018, mấy năm qua, Hội Nông dân TPHCM đã tổ chức nhiều chuyến đi cho nông dân học tập ở Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nhật Bản.
Trung bình, mỗi năm có 1 đoàn đi với số lượng 25 thành viên, trong đó có 5 cán bộ quản lý (thuộc Hội Nông dân, Sở NN-PTNT, sở ban ngành khác - tùy theo tính chất chuyến đi) và 20 thành viên gồm: nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ban chủ nhiệm HTX, tổ hợp tác…
Trọng tâm học tập là chính sách phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, hình thức sản xuất, tiêu thụ nông sản, các mô hình liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, nhiều nông dân cho biết, nội dung nghe phong phú như vậy nhưng chủ yếu chỉ… cưỡi ngựa xem hoa. Hầu hết phần “học” đều không đi sâu chuyên môn mà người nông dân cần. Thậm chí như anh Phan Văn Quốc Cường (nông dân ở huyện Hóc Môn) cho hay, khi đến Thái Lan, có chủ vườn không cho đoàn vào tham quan, hoặc ở vườn cho vào tham quan thì lại không có người hướng dẫn.
Còn nông dân Trịnh Minh Tân ở huyện Củ Chi vốn là người trồng cây kiểng giỏi, nên khi đi lãnh thổ Đài Loan, anh kỳ vọng được học hỏi nhiều về kỹ thuật trồng cây kiểng, thế nhưng chuyến đi lại có nội dung chủ yếu là học về mô hình trồng trọt.
Anh Phan Minh Khôi (nông dân huyện Hóc Môn) nói rằng chuyến đi học ở lãnh thổ Đài Loan chỉ đáp ứng được khoảng 30% kỳ vọng của bản thân.
Vào các nông trại, Viện nghiên cứu biến đổi gien mà chỉ được nghe lý thuyết, không có chi tiết cụ thể, không được học từ thực tế của vườn ươm. lãnh thổ Đài Loan nổi tiếng về trồng lan nhưng trong lịch trình lại không có chương trình học về nội dung này, khiến nhiều nông dân trồng lan rất bất bình.
“Đến các trang trại mà chỉ có khoảng hơn 1 tiếng để vừa nghe thuyết trình vừa tham quan nên chúng tôi chẳng học được gì”, anh Lê Đình Dũng (nông dân huyện Củ Chi, đã được đi học ở lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc) cho biết.
Vừa dàn trải
Ông Trần Văn Hợt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Ngã Ba Giồng, nhận xét: “Học nhiều công đoạn, từ trồng trọt theo mô hình sạch cho đến cách đóng gói sản phẩm đưa vào siêu thị và kinh doanh tại chợ, mà chỉ gói gọn trong khoảng 90 phút, thì làm sao tiếp thu hết được”.
Theo ông Hợt, trước khi đưa đoàn đi học, Hội Nông dân cần chuẩn bị lịch trình đi chu đáo, có liên hệ, kết nối trước và nên tập trung cụ thể vào một nội dung thiết thực.
Ông Nguyễn Sỹ Phước, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn, cho biết nhiều nông dân sau khi đi học ở nước ngoài về cũng đã phản ánh những bức xúc trên với huyện. Hội Nông dân huyện Hóc Môn cho rằng, khi đưa nông dân đi học, nên chọn nội dung và chương trình học cho phù hợp.
Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP), đề nghị trước khi tổ chức cho nông dân đi học, cần khảo sát, đánh giá nhu cầu học của đối tượng là gì để chuẩn bị cho phù hợp, thực sự mang lại kết quả tốt cho người nông dân (tham quan, học hỏi hay kiến tập, thực tập…). Thậm chí, người hướng dẫn đi phải có kiến thức chuyên môn về nông nghiệp để phiên dịch cho chính xác.
Trong thời gian từ 2014-2016, tổng kinh phí thực hiện chủ trương cho nông dân đi học là hơn 4,7 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho cán bộ quản lý đi gần 954 triệu đồng, được ngân sách chi 100%; ngân sách hỗ trợ chi phí cho nông dân gần 2,7 tỷ đồng. Nông dân tự đóng góp 30% kinh phí còn lại, ước khoảng hơn 1,1 tỷ đồng.
Thanh Hải - SGGP