TP.HCM: 6.400 lao động nông thôn sẽ được đào tạo ứng dụng 4.0
Trong năm nay, 6.400 lao động nông thôn trên địa bàn TP.HCM sẽ được thành phố đào tạo nghề ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, thành phố sẽ áp dụng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân. "Nông dân sẽ được tập huấn, chuyển giao thực hành ngay tại cơ sở của doanh nghiệp trước khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất" - ông Trung nói.
Chuyển biến mạnh
Ông Phạm Quang Chiến - Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Cần Giờ cho biết, huyện đã vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, tập trung vào các ngành nghề phục vụ du lịch và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi cá dứa thương phẩm, nuôi cua bằng con giống nhân tạo…
Song song đó, huyện đã liên kết với các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp dạy nghề, tập trung đổi mới kỹ thuật nuôi tôm bằng cách trải bạt đáy ao; che lưới bên trên làm giảm nhiệt độ và hạn chế chim, cò lây lan mầm bệnh ao nuôi; nâng cấp hệ thống tạo ôxy, sử dụng máy cung cấp thức ăn tự động, xi phông bùn hữu cơ để làm sạch đáy ao…
Nhờ áp dụng công nghệ, nông dân Cần Giờ đã có thể nâng cao mật độ nuôi tôm lên trên 100 con/m2, kéo dài thời gian nuôi hơn 4 tháng, giúp kích cỡ tôm thu hoạch lớn hơn, năng suất trên 20 tấn/ha (gấp đôi năng suất so với các hộ không áp dụng công nghệ mới). Hiệu quả kinh tế mang lại ước tính lợi nhuận bình quân đạt gần 1,5 tỷ đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận gần 90%.
Trước đó, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cũng triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân canh tác rau thủy canh tại phường Thới An (quận 12). Nông dân đã được học lý thuyết, thực hành và tham quan thực tế về các mô hình rau thủy canh hiệu quả tại TP.HCM và miền Tây. Bên cạnh đó, nông dân còn được tiếp cận và lĩnh hội những kiến thức bổ ích về canh tác rau công nghệ cao, đồng thời nâng cao kỹ năng thực hành…
Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM, trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh về mô hình, chương trình, phương thức đào tạo để giúp lao động nông thôn ở thành phố có thể tiếp cận khoa học kỹ thuật, vận dụng vào sản xuất kinh doanh.
Gắn với thực tiễn…
Lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục phát triển 6 loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; sản xuất giống cây, giống con chất lượng và năng suất cao.
Và việc đào tạo nghề cho nông dân cũng hướng đến các loại vật nuôi, cây trồng này theo hướng công nghệ cao.
Theo Ban chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM về Chương trình xây dựng NTM, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động có việc làm thường xuyên tại 5 huyện là 1.790.520 lao động, chiếm tỷ lệ 95,43% so với tổng số lao động trong độ tuổi lao động (1.790.520/1.876.259). Giai đoạn 2016 - 6/2019, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên lực lượng lao động tại các xã xây dựng NTM đạt 97,5%.
TS Đinh Công Tiến - Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp cho rằng, khi ứng dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần gắn với thực tiễn và bắt đầu bằng nghiên cứu nhu cầu của nông dân. Từ nhu cầu nghề tương lai mà cá biệt hóa chương trình đào tạo cho từng người, tăng cường đào tạo online.
Theo TS Từ Minh Thiện - Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cơ quan quản lý Nhà nước phải nắm bắt nhu cầu thị trường đang cần gì, để cung cấp thông tin và đào tạo nghề cho nông dân. Dựa trên cơ sở đó, nông dân sẽ tự quyết định nên sản xuất hoặc học nghề phù hợp.
“Họ phải có kỹ năng, chứ không chỉ lao vào sản xuất. Khi nông dân đã có kỹ năng, nắm bắt, tìm hiểu được nhu cầu của thị trường thì họ sẽ có cách cung cấp dịch vụ, sản phẩm phù hợp, hạn chế được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa” - TS Từ Minh Thiện chia sẻ.
Trần Đáng
Dân Việt
Xem thêm