Công nghệ AI thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ


AI được kỳ vọng cải thiện các điểm chính trong ngành bán lẻ gồm sự tham gia của khách hàng, kinh doanh thông minh, tỷ suất lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và đổi mới.

30188200627_c5ea2a3779_b_edit.jpg

Ngành bán lẻ đã trải qua nhiều biến đổi thích nghi và đổi mới trong nhiều thế kỷ để tiếp tục tồn tại. Bước vào năm 2020 với nhiều biến động từ chiến chiến tranh thương mại, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cho đến dịch bệnh corana như hiện nay, xu hướng người dùng thay đổi bắt buộc các doanh nghiệp cần có những bước thích ứng phù hợp.

Nền tảng kỹ thuật số thay đổi ngành bán lẻ

Thay vì đến nhiều địa điểm để chọn món hàng ưng ý thì ngày nay khách hàng chỉ cần ngồi nhà và đặt mặt hàng mua sắm từ nhiều nguồn bằng một thao tác đơn giản trên điện thoại hoặc máy tính thông qua nền tảng kỹ thuật số. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn để giúp công ty có thể hiển thị thương hiệu của mình và khiến khách hàng mua nhiều hơn họ cần.

Công ty tiếp thị kỹ thuật số Wunderman Thompson dự đoán rằng kỷ nguyên mới của ngành bán lẻ đòi hỏi sự hiểu biết phức tạp về thị trường kỹ thuật số. Theo đó, các cửa hàng không còn hoạt động độc lập mà có sự kết nối gần như vô hạn với các điểm tương tác kỹ thuật số, công nghệ gương tương tác mà các thương hiệu bán lẻ quốc tế lớn đang thử nghiệm.

Thành công của những nhà bán lẻ về mua sắm trực tuyến hàng đầu quốc tế như Amazon, Lazada hay những cái tên đang đi lên tại thị trường Việt Nam như Tiki, Shopee là minh chứng lợi ích của công nghệ và kỹ thuật số đối với ngành.

Trong nhận định về 23 nhóm ngành, SSI nhận định ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì lượt khách mua hàng sẽ giảm do người dùng hạn chế đến những nơi công cộng để hạn chế tình trạng lây nhiễm trong dịch Covid-19. Nhưng đây cũng là thời điểm tăng trưởng cho các doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng kỹ thuật số khi người tiêu dùng sẽ chuyển đổi từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn vệ sinh.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lĩnh vực bán lẻ, nhưng nền tảng kỹ thuật số được xem là một yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến toàn bộ ngành không chỉ ở hiện tại mà còn trong nhiều năm đến.

Công nghệ AI thúc đẩy tăng trưởng ngành

Trong vài năm qua, những tiến bộ công nghệ trí tuệ nhân tạo đã có những bước ngoặc thú vị trong các ngành công nghiệp, bao gồm một số cải tiến trong lĩnh vực bán lẻ. Được sử dụng chính xác, AI có thể giảm lỗi của con người trong các cấp độ khác nhau của quy trình bán lẻ. Ngoài ra, các công nghệ AI đã giúp cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng, giảm chi phí vận chuyển cho người bán, giúp công nhân áp dụng các kỹ năng mới và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.

Theo nghiên cứu của Global Market Insight, lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng đầu tư vào AI lên 8 tỷ USD vào năm 2024. Việc áp dụng học máy, học sâu và phân tích dự đoán là cần thiết để thành công trong trong ngành bán lẻ đang phát triển tại tốc độ nhanh chóng. Các chuyên gia AI trên phạm vi toàn cầu đều có chung nhận định rằng công nghệ này có rất nhiều thứ để cung cấp cho bất kỳ phân khúc bán lẻ nào.

Báo cáo của Microsoft châu Á và tập đoàn dữ liệu quốc tế IDC cho thấy với việc áp dụng AI vào hoạt động, các công ty bán lẻ đã cải thiện trung bình 16-29% 5 vấn đề chính của ngành gồm sự tham gia của khách hàng, kinh doanh thông minh, tỷ suất lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và đổi mới. Dự kiến, vào đầu năm 2021, họ sẽ cải thiện thêm 37-44%.

Những lợi ích mà công nghệ AI mang lại cho ngành bán lẻ. Nguồn: Microsoft Asia.

Những lợi ích mà công nghệ AI mang lại cho ngành bán lẻ. Nguồn: Microsoft Asia.

"Để duy trì tính cạnh tranh, cần phải chuyển đổi sang bán lẻ thông minh để dễ dàng bổ sung, thuận tiện, cá nhân hóa và tự động hóa đối với các quy trình và hoạt động kinh doanh, trải nghiệm của khách hàng cũng như chính các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp", ông Raj Raguneethan, Trưởng nhóm kinh doanh bán lẻ và hàng tiêu dùng của Microsoft châu Á nói.

Hai ứng dụng dễ thấy nhất của AI với ngành bán lẻ là chatbot và học máy. Nói về dịch vụ khách hàng, các chatbot AI đang đóng góp một phần rất lớn vào ngành bán lẻ và tiếp thị. Mục tiêu của việc triển khai chatbot trong các doanh nghiệp thương mại điện tử là để tăng trải nghiệm của khách hàng và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa.

Ví như chatbot kinh doanh bán lẻ phổ biến trên Facebook Messenger, Sephora và Pizza Hut. Động cơ phổ biến là giúp khách hàng dễ dàng có được những gì họ muốn mà không cần phải gọi điện, gửi email hoặc truy cập trang web của họ để có câu trả lời. Điều này mang lại cho ngành bán lẻ một cơ hội lớn để tăng doanh số bán hàng trực tuyến mà không phải chi tiêu quá nhiều.

Mặt khác, AI và học máy có thể giúp tăng hiệu quả, cải thiện độ chính xác và tăng sự tham gia của khách hàng cho ngành bán lẻ bằng cách sử dụng các thuật toán, mô hình và xử lý các bộ dữ liệu khổng lồ một cách nhanh chóng. Đây cũng chính là một trong số những yếu tố thúc đẩy 79% các nhà bán lẻ tuyên bố sử dụng AI, học máy và chatbots trong các hoạt động kinh doanh (theo kết quả nghiên cứu của IBM).

Với những lợi ích của công nghệ mang lại và nhu cầu ngày một tăng cao của thị trường bán lẻ, đây dự sẽ là xu hướng đầu tư, phát triển mới cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các startup và nhà sáng lập khởi động các dự án của mình trong năm 2020.

Trang Anh/Theo VnExpress

Bài gốc


Xem thêm