20 đề tài, giải pháp được trao giải tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM
Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở khoa học - công nghệ, Liên đoàn lao động, Thành đoàn TP.HCM vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 24 (2015 - 2016). Có 20 đề tài, giải pháp được chọn trao giải trong tổng số 88 đề tài, giải pháp dự thi.
Hội thi thu hút 88 đề tài, giải pháp thuộc các lĩnh vực như y tế, công nghệ sinh học và nông nghiệp; công nghệ môi trường; công nghệ hóa học; cơ khí - tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin; giáo dục - hướng nghiệp tham dự.
Kết quả, có 20 đề tài, giải pháp được trao giải thưởng, gồm 1 giải nhất, 6 giải ba và 13 giải khuyến khích, không có giải nhì.
Đề tài “Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện giúp hoạt động phản ứng nhanh trong cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch có nguy cơ tử vong cao tại bệnh viện và liên viện” của PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở y tế TP.HCM, nhận giải nhất trong hội thi này.
Phát biểu tại lễ trao giải, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp hội cho rằng: “Hội thi sáng tạo kỹ thuật đã trở thành truyền thống 2 năm tổ chức một lần và được nhiều người biết đến. Hội thi lần 24 này tuy lượng bài gửi về tham gia không nhiều so với những hội thi trước, nội dung chưa đạt cấp quốc gia nhưng đã đáp ứng các tiêu chí tính mới, tính sáng tạo”.
Theo PGS.TS. Phan Minh Tân, phó chủ tịch Liên hiệp hội, hội thi đã góp phần tôn vinh xứng đáng và kịp thời những nỗ lực trong lao động sáng tạo và thầm lặng của nhiều tập thể tác giả, tổ chức, cá nhân. Nhờ đó mà trong suốt 27 năm qua (1990 - 2017), hội thi phát triển ổn định và chất lượng được nâng tầm qua từng hội thi. PGS.TS. Phan Minh Tân hy vọng, trong số các giải pháp đoạt được giải trong lần này sẽ có đề tài, giải pháp đoạt giải cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và giải thưởng khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).
Tại buổi lễ, ban tổ chức cũng đã phát động Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 25 (2017 - 2018) và tiếp nhận hồ sơ dự thi ngay sau đó, hạn chót nhận hồ sơ đến 31/12/2018.
Quy trình báo động đỏ đã cứu sống 50 người trong tình trạng nguy kịch
Nói về đề tài đoạt giải lần này, PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở y tế TP.HCM cho biết: yêu cầu thực tế cấp cứu bệnh nhân đặt ra là làm sao để nhanh chóng cấp cứu và can thiệp điều trị kịp thời cho người dân không may bị tai nạn hoặc bị bệnh nặng đe dọa tính mạng nhưng lại ở địa bàn hoặc tại cơ sở y tế xa bệnh viện chuyên khoa, đa khoa.
Theo cách thông thường, những trường hợp này gọi cấp cứu 115, tuy nhiên không ít trường hợp đã tử vong trên đường chuyển viện vì bệnh quá nặng và diễn tiến bệnh quá nhanh. Trước yêu cầu đó, Trạm cấp cứu 115 vệ tinh và Quy trình báo động đỏ nội viện - liên viện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố được triển khai.
Sau hơn 2 năm triển khai đồng bộ 2 giải pháp này, đã cứu sống 50 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Nếu không có 2 giải pháp này, bệnh nhân khó vượt qua. Đó là trường hợp của một thai phụ ở Hóc Môn nhập BV Thống Nhất lúc 9 giờ ngày 21/9/2016, trong tình trạng đang mang thai 9 tháng, co giật toàn thân, hôn mê, sùi bọt mép, huyết áp rất cao: 210/120 mmHg, sau đó ngưng tim, ngưng thở.
Bệnh nhân bị sản giật nặng và thai nhi dọa tử vong, các bác sĩ BV Thống Nhất đã nhanh chóng hồi sức cấp cứu và “Báo động đỏ” đến BV. Hùng Vương do không thể chuyển viện được vì nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con trên đường chuyển. Ngay lập tức, các bác sĩ của BV Hùng Vương đã có mặt ở BV Thống Nhất.
Chỉ sau hơn một giờ bệnh nhân được bác sĩ của hai bệnh viện này phối hợp hồi sức cấp cứu, phẫu thuật lấy thai nhi, mẹ con chị đã qua cơn nguy kịch. Chị sinh được một bé trai cân nặng 3,4 kg trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình và các y, bác sĩ hai bệnh viện.
Một trường hợp khác, sản phụ 28 tuổi, Lâm Đồng, mang thai tuần thứ 27 được BV Từ Dũ phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp: tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất độ 3, tim to, hở van 3 lá; thai nhỏ.
BV xác định thai nhi có nguy cơ mất trong bụng mẹ hoặc khi vừa sinh ra. Ngày 20/2/2017, thai nhi có nguy cơ đe dọa tính mạng nên ê kíp BS sản của BV Từ Dũ đã thực hiện mổ bắt con, bé trai cân nặng 2,3 kg. Tuy nhiên, lúc này nhịp tim của bé chỉ có 52 lần/phút (bình thường phải từ 110 - 160 lần/phút). Ngay tức thời, ê kíp can thiệp tim mạch của BV nhi đồng 2 đã mở ngực bệnh nhi và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo để cứu sống bé, sau một ngày chuyển viện về BV nhi đồng 2 điều trị, sức khỏe bệnh nhi ổn định, nhịp tim bình thường trở lại.
Có thể nói, có những ca bệnh tưởng chừng như vô vọng, nhưng chính nhờ sự phối chặt chẽ của các bệnh viện, thông tin trao đổi trước của các bác sĩ từ khi tiếp nhận bệnh nhân, đến khâu chuyển bệnh nhân… các bác sĩ đã tận dụng thời gian vàng, từng giây từng phút không làm lãng phí để đấu tranh giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Minh Uyên - Khoa học phổ thông