Hình thành các “mô hình Uber” trong nông nghiệp
Các hệ sinh thái với mô hình kiểu Uber - người có tiền góp tiền, người có đất góp đất, người có công nghệ góp công nghệ - là một hướng đi giúp Internet vạn vật (IoT) được ứng dụng mạnh mẽ hơn trong nông nghiệp, bắt kịp với xu hướng của thế giới.
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Thái Hưng - Phó Tổng thư ký thường trực Hội Tự động hóa Việt Nam - khi trao đổi với Khoa học và Phát triển.
Chưa thực sự có mô hình IoT trong nông nghiệp
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, người ta nói nhiều về tiềm năng của IoT trong nông nghiệp. Theo ông, IoT có thể mang lại giá trị gì cho ngành này?
Theo tôi, cần hiểu ứng dụng IoT trong nông nghiệp không phải là bán thiết bị mà là bán giá trị mang đến cho khách hàng. IoT giúp chủ trang trại tiết kiệm chi phí sản xuất (nước, phân bón, thức ăn), tăng năng suất, chất lượng và giá trị cho nông sản nhờ sự quản trị nguồn gốc rõ ràng từ trồng tới thu hoạch.
Việt Nam hiện chưa có mô hình ứng dụng IoT trong nông nghiệp đích thực, tròn trịa. Về bản chất, giá trị của IoT nằm ở know-how - bí quyết trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình phù hợp nhất với mỗi loài, đảm bảo cho sản phẩm có chất lượng và năng suất tốt nhất - được nhà nghiên cứu đưa vào thiết bị.
Mỗi loại cây, con với quy trình chăm sóc riêng sẽ được biến thành công thức và đẩy lên hệ thống điện toán đám mây. Một triệu cây sẽ có một 1 triệu know-how và chúng không ngừng được cải tiến, cập nhật. Khi muốn trồng cây gì, người dùng chỉ cần kéo know-how về.
Trong tương lai, nông nghiệp sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào con người. Mọi thứ đều được đo đạc, tính toán chính xác. Đó chính là sự kỳ diệu mà IoT mang lại cho nông nghiệp.
Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam hiện chưa có nhiều ứng dụng IoT trong nông nghiệp. Điều gì đang là rào cản, thưa ông?
Trong tương lai, nếu muốn phát triển nông nghiệp, ứng dụng IoT là yêu cầu bắt buộc. Doanh nghiệp làm chủ được những công nghệ này sẽ vượt mọi biên giới và trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Thời điểm này, cái khó của việc phát triển IoT trong nông nghiệp Việt Nam là chúng ta chưa có thị trường, dù tiềm năng rất lớn.
Nông dân dường như vẫn yên tâm với phương thức sản xuất cũ, đang yên ấm trong "vỏ bọc" kinh nghiệm. Không nhiều người ý thức được là phải thay đổi. Ruộng đất manh mún vốn đã khó cơ giới hóa, hiện đại hóa, lại càng khó hơn khi áp dụng IoT.
Muốn làm IoT, cần có những cánh đồng lớn để phát huy hết tác dụng, tối ưu chi phí đầu tư ban đầu, nâng giá trị nông sản. Để làm được điều này, chúng ta
cần có các mô hình nông nghiệp mới.
Liên kết nhóm IT và nông dân
Theo ông, mô hình nào thích hợp hiện nay?
Các nhóm IT đang sở hữu công nghệ nhưng không có ruộng đất. Vì thế, dễ hình dung nhất là xây dựng những mô hình kiểu như Uber. Người sở hữu công nghệ sẽ trở thành nhà đầu tư, gọi vốn, xây dựng platform và thu hút nông dân góp đất cùng sản xuất theo mô hình họ đưa ra.
Tôi đã chứng kiến mô hình tương tự là Vifarm ở Vũng Tàu. Từ một nhóm IT, họ đã nghiên cứu và tạo ra thương hiệu cho một số giống cây, ứng dụng điện toán đám mây vào trồng và kêu gọi nông dân cùng làm. Bà con tham gia không cần mua thiết bị mà chỉ góp đất.
Chỉ cần thuyết phục được nông dân bằng cách nêu rõ lợi nhuận và có sự đảm bảo là họ tham gia. Nhờ có công nghệ, nông dân không phải đầu tắt mặt tối chăm cây mà chỉ có nhiệm vụ giám sát hệ thống, nghĩa là được đào tạo thành công nhân nông nghiệp.
Để IoT trong nông nghiệp phát triển mạnh hơn, chúng ta cần làm gì và mất bao lâu để đuổi kịp thế giới, thưa ông?
Tôi cho rằng Chính phủ cần có chính sách hợp lý để nâng cao dân trí. Thực tế, ứng dụng IoT không quá phức tạp, nhưng nông dân cần được đào tạo bài bản. Hãy giúp nông dân trở nên thông minh hơn bằng những lớp đào tạo về công nghệ.
Một lợi ích khác của điều này là mở rộng và khai thác thị trường hiệu quả hơn. Người sản xuất và người tiêu dùng sẽ giao lưu trên các sàn giao dịch ảo và trao cho nhau những niềm tin có thật từ việc máy móc giám sát toàn bộ quy trình.
Việc tạo ra các hệ sinh thái để thu hút nhà đầu tư, các nhóm công nghệ, chuyên gia nông nghiệp và nông dân góp đất cũng cần thiết. Hãy làm mờ đi khái niệm mua bán mà nên tư duy rằng đây là hệ thống, người có tiền góp tiền, người có đất góp đất, người có công nghệ góp công nghệ và lợi nhuận cần được chia theo cổ phần đã quy định từ đầu.
Tuy nhiên, trước tiên, chúng ta cần một số "đại gia" đầu tư đột phá tạo ra những mô hình mẫu. Người Việt ta vốn quen với tư tưởng trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng tay sờ. Cần tạo ra những mô hình để những người có tiềm năng tham gia hệ sinh thái có thể nhìn thấy, sờ thấy và nhận rõ hiệu quả. Có vậy, họ mới dám bước ra khỏi cái "vỏ an toàn" của mình.
Thực tế, nông nghiệp thế giới đang tiến rất xa với những ứng dụng công nghệ dựa trên cả một quy trình bài bản từ đầu vào đến đầu ra. Ở Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ mà cụ thể là gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao. Một vài doanh nghiệp đã đặt những bước đi đầu tiên. Chúng ta cũng cần các trường đại học và hệ sinh thái khởi nghiệp ý thức vấn đề này để làm nên một mùa xuân tươi tốt cho nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thụy Nguyên - Khoa học phát triển