Phần mềm PC Dairy VN 2019 giúp giảm phát thải và chi phí chăn nuôi bò


Phần mềm thiết lập khẩu phần ăn cho bò sữa PCDairy VN 2019 do các nhà khoa học ở Đại học California Davis phát triển và chuyển giao cho Việt Nam không chỉ đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc với mức chi phí tối ưu mà còn kiểm soát phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam.

2Anh-1.jpg

Câu chuyện cân bằng chi phí về thức ăn và giảm thiểu phát thải khí metan (CH4) bằng các ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi bò sữa là một bài toán khó với Việt Nam do phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn duy trì thói quen cho ăn “ước lượng” thay vì tính toán theo công thức.

Trước tình hình trên, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Đại học California Davis (UC Davis) để chuyển giao phần mềm thiết lập khẩu phần ăn cho bò sữa PC Dairy VN 2019 cho Việt Nam trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cho các chương trình Chiến lược phát triển phát thải thấp (ECLEDS) giai đoạn năm 2018 - 2019. “Dựa trên cân nặng của bò, giai đoạn sinh trưởng, chất lượng sữa, phần mềm này ngoài việc giúp hộ chăn nuôi thiết lập khẩu phần với giá thành thấp nhất thì còn có thể ước tính được lượng khí metan phát thải khi sử dụng các khẩu phần ăn cho bò, dựa vào đó có thể tính toán, kiểm kê được lượng phát thải trong chăn nuôi một cách chính xác hơn”, bà Hoàng Thị Thiên Hương (Cục Chăn nuôi), đánh giá như vậy trong buổi giới thiệu kết quả Dự án ECLEDS do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 27/2.

Lựa chọn phần mềm phù hợp với quy mô nhỏ

Tại sao Việt Nam không tự phát triển phần mềm cho riêng mình thay vì nhận chuyển giao của UC Davis? Trước thắc mắc của chúng tôi, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch (Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) một trong những thành viên tham gia dự án giải thích: “Chúng ta đủ sức làm, vấn đề là nên lựa chọn thế nào trong hoàn cảnh hiện nay bởi nhiều thứ mình tự làm lại đắt hơn đi mua, có những thứ phổ biến, đơn giản, giá thành rẻ thì không nhất thiết phải làm”.

Sau một thời gian dài tìm kiếm, đánh giá tính phù hợp, nhóm dự án mới quyết định lựa chọn phần mềm PC Dairy, do các chuyên gia ở UC Davis phát triển cho người chăn nuôi bò sữa ở Mỹ từ hơn 30 năm trước, khá phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Việc tìm được phần mềm phù hợp với Việt Nam như vậy mới chỉ là bước đầu. “Phần mềm của của Hoa Kỳ dùng cơ sở dữ liệu thức ăn của Hoa Kỳ, do đó muốn ứng dụng chính xác thì phải lấy cơ sở dữ liệu của Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch cho biết. Để có được cơ sở dữ liệu làm đầu vào cho phần mềm, nhóm dự án đã tổng hợp hơn 1100 mẫu thức ăn, bao gồm 160 mẫu được thu thập trực tiếp tại 8 tỉnh thành đại diện cho các vùng của Việt Nam và 994 mẫu chuyển đổi từ các dữ liệu hiện có. “Học viện Nông nghiệp Việt Nam có phòng phân tích đạt tiêu chuẩn ISO, việc thu thập và phân tích thành phần dinh dưỡng của các mẫu thức ăn cũng sử dụng các kỹ thuật hiện đại nên quá trình này cũng không quá phức tạp”, theo GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch.

Nếu như chỉ dừng lại ở đây thì việc làm chủ một phần mềm sẽ chỉ để ‘làm đẹp” một dự án hợp tác. Muốn đưa kết quả vào áp dụng một cách thực sự, nhóm dự án đã tổ chức hội thảo và tập huấn cho 273 khuyến nông viên và người chăn nuôi tại Hà Nội và TP.HCM để lấy ý kiến phản hồi của đông đảo người chăn nuôi cũng như phổ biến thông tin về phần mềm. Sau đó, nội dung được đưa vào giảng dạy cho gần 4000 sinh viên ngành Chăn nuôi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. “Nhiều học viên cho biết đây là lần đầu tiên được tiếp cận với phần mềm bởi trước đây, các trại chăn nuôi của những công ty lớn có phần mềm nhưng lại độc quyền, ngay cả cán bộ khuyến nông cũng không có cơ hội tiếp cận. Dự án đã giúp họ nắm bắt được cách ứng dụng phần mềm thiết lập khẩu phần ăn cho bò sữa và họ đều phản hồi là khá dễ sử dụng”, bà Nguyễn Liên Hương, Trung tâm khuyến nông quốc gia nhận xét trong hội thảo.

Xây dựng hệ thống dinh dưỡng quốc gia

Dù bước đầu thu được những kết quả tích cực, song nhóm dự án cho biết vẫn cần một quá trình dài để hoàn thiện và ứng dụng hiệu quả phần mềm PC Dairy VN 2019. Hiện nay, yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến độ chính xác của phần mềm là thiếu cơ sở dữ liệu về thức ăn ở Việt Nam. Theo bà Hoàng Thị Liên Hương, cơ sở dữ liệu gồm các mẫu thức ăn thu thập trực tiếp tại các địa phương còn khá ít, chưa đại diện được cho tất cả các vùng; có những mẫu thức ăn hiện có trong thực tế nhưng chưa thể tổng hợp được do không có kinh phí; các dữ liệu về thức ăn chuyển đổi từ sách hoặc các nguồn có sẵn đã khá cũ. “Có dữ liệu về thức ăn, các loại cỏ cho bò sữa có cách đây 50 năm rồi, bây giờ thời tiết khí hậu, kỹ thuật canh tác thay đổi dẫn đến thành phần dinh dưỡng cũng khác”, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch nhận xét.

Vậy thiếu nguồn lực có phải là nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trên? Câu trả lời bắt nguồn từ một vấn đề sâu xa hơn, đó là việc thiếu cơ sở dữ liệu thức ăn cho bò sữa nói riêng và các ngành chăn nuôi nói chung do Việt Nam chưa có một hệ thống dinh dưỡng thống nhất dành cho từng loại vật nuôi. “Hệ thống dinh dưỡng gồm 2 thành phần: thứ nhất là nhu cầu dinh dưỡng của gia súc, thứ hai là thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của các loại thức ăn. Mỗi nước thường chọn sử dụng một hệ thống dinh dưỡng nhất định, trong khi trên thế giới có các hệ thống dinh dưỡng khác nhau thể hiện nhu cầu dinh dưỡng cũng như thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn theo những cách khác nhau”, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch cho biết.

Mặc dù có vai trò rất quan trọng với ngành chăn nuôi - vừa là công cụ để tính toán khẩu phần ăn phù hợp cho gia súc, đồng thời là cơ sở để các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ghi nhãn trên bao bì, là cơ sở để nhà nước quản lý về thức ăn chăn nuôi; song hệ thống dinh dưỡng cho bò sữa cũng như các loại gia súc nhai lại khác chưa mấy được quan tâm ở Việt Nam. Do đó theo GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch, “đây là tồn tại lớn nhất của chúng ta hiện nay. Do không có hệ thống dinh dưỡng được quy định thống nhất nên các cơ sở dữ liệu thức ăn cho gia súc nhai lại hiện có của Việt Nam rất lộn xộn, không tận dụng được tốt các nguồn lực nghiên cứu về dinh dưỡng để phục vụ sản xuất. Nhiều đơn vị cũng có dữ liệu về thức ăn cho gia súc nhai lại nhưng đó là kết quả của các đề tài, dự án hợp tác, mỗi lúc lại theo một hệ thống dinh dưỡng khác nhau tùy theo nước tài trợ, cho đến nay không có một cơ sở dữ liệu quốc gia chính thống, cập nhật và khả dụng theo một hệ thống dinh dưỡng thống nhất cho các loài gia súc nhai lại trên toàn quốc. Các doanh nghiệp lớn hiện nay sử dụng công nghệ của nước nào thì theo hệ thống của nước đó, chúng ta không có hệ thống chung nên không tham chiếu lẫn nhau được, rất lãng phí”.

Bởi vậy, về lâu dài, để phần mềm PC Dairy VN 2019 hay một phần mềm phối hợp khẩu phần nào khác phát huy tác dụng, cần xây dựng hay lựa chọn một hệ thống dinh dưỡng quốc gia dùng cho gia súc nhai lại với nguồn dữ liệu chính xác, cập nhật. “Khi có một hệ thống dinh dưỡng chung, chúng ta có thể xây dựng 1 cơ sở dữ liệu thống nhất và cập nhật, kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án hoặc dữ liệu thu thập từ nhiều nguồn khác nhau có thể chuyển vào, liên tục làm giàu cho cơ sở này, phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất”, GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch nhận xét.

Thanh An – Mỹ Hạnh

Khoa học & Phát triển


Xem thêm