Động lực mới cho TP.HCM phát triển
Tuần qua, TP.HCM đón nhận cùng lúc 2 tin vui, đó là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM (gồm 18 nội dung thuộc 4 nhóm vấn đề: quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý) và việc công bố Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (sau đây gọi là Đề án).
Đây là 2 đòn bẩy quan trọng giúp TP.HCM phát triển đột phá trong giai đoạn mới. Đặc biệt, Đề án sẽ giúp TP.HCM dần khắc phục những vấn đề mang tính cấp thiết, cản trở sự phát triển, như ngập nước, ùn tắc giao thông...
Phát biểu tại lễ công bố Đề án, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố thông minh là nơi tích hợp được các nguồn lực, sử dụng được các công nghệ tiên tiến nhất.
Những mục tiêu mà thành phố thông minh đặt ra là phát triển kinh tế cao và bền vững, môi trường sống của người dân tốt, hạ tầng, chất lượng không khí tốt. Với thành phố thông minh, người dân phát huy được tối đa quyền tham gia giám sát chính quyền.
Một phần của Đề án đã được thử nghiệm tại một số quận, huyện, như quận 1 và quận 12 đang thử nghiệm số hóa dữ liệu y tế tại bệnh viện. Sở Giao thông - Vận tải đã hình thành Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông tập trung.
Trung tâm kết nối với hơn 500 camera nhằm ghi nhận tình hình và tham gia điều khiển giao thông trong thành phố. Công an Thành phố đang thí điểm hệ thống giám sát định vị người và phương tiện giao thông phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Từ tháng 3/2017, hệ thống camera giám sát kết nối với trung tâm dữ liệu đã được lắp đặt. Trên cơ sở dữ liệu có được, hệ thống này có khả năng phát hiện các phương tiện di chuyển không bình thường. Thông qua nhận diện khuôn mặt, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo về các đối tượng bị truy nã hay khả nghi trong một vụ án nào đó để báo cho cảnh sát trên vị trí thực địa.
Trước đó, tại hội thảo về chia sẻ kinh nghiệm các tiêu chuẩn và đánh giá hợp chuẩn trong các thành phố thông minh khu vực APEC (thuộc khuôn khổ Hội nghị lần thứ ba cấp cao APEC - SOM3 diễn ra ở TP.HCM), tham luận với chủ đề Đô thị thông minh - giải pháp hiệu quả cho quá trình đô thị hóa hiện nay tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng nêu rõ, nhìn một cách tổng thể, đô thị thông minh là không gian đô thị với cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông minh chứa hàng triệu bộ cảm biến và bộ dẫn động tương tác với con người thông qua công nghệ số và truyền thông.
Không gian như vậy kết hợp với việc sử dụng công nghệ phân tích tiên tiến tại thời điểm thực sẽ cho phép nhận biết các sự kiện đang diễn ra tại mọi thời điểm, từ đó đưa ra quyết định cũng như những thông tin và dịch vụ phù hợp nhất cho cư dân đô thị, hoặc từ đó nâng cấp và cải tiến các dịch vụ được cung cấp.
Theo nhóm nghiên cứu này, đô thị thông minh chứa đầy đủ các thành tố của một đô thị thông thường, nhưng các thành tố chính vượt trội hơn, như giao thông được kiểm soát tại thời điểm thực thông qua việc kiểm soát phương tiện, kiểm soát bãi đỗ xe, sử dụng ứng dụng theo dõi quãng đường. Kinh nghiệm triển khai giao thông thông minh tại các đô thị ở Nhật và Mỹ cho thấy hiệu quả sử dụng phương tiện, mức độ an toàn, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
Cụ thể, thời gian di chuyển tổng thể của hệ thống được giảm khoảng 15 - 20%, tiêu hao năng lượng giảm 12% và lượng khí thải ra môi trường giảm 10%, khả năng vận chuyển tăng 5 - 10% và giảm số vụ tai nạn 15%.
Việc quản lý năng lượng cũng hiệu quả hơn thông qua lưới điện thông minh, đồng hồ đo thông minh, kiểm soát thông số môi trường như hàm lượng CO2 trong không khí. Song song đó là việc quản lý cơ sở hạ tầng đô thị và an ninh cho cộng đồng, sức khỏe người dân trong đô thị thông minh cũng sẽ được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Với một đô thị nén như TP.HCM, việc triển khai Đề án và áp dụng cơ chế đặc thù, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, giúp TP.HCM năng cao năng lực cạnh tranh, thu hút được các nguồn lực đầu tư và khắc phục những cản trở như thủ tục hành chính, kẹt xe, ngập nước, vấn đề an ninh... 2 sự kiện này là động lực quan trọng, có tác động tích cực đến sự phát triển của TP.HCM.
P.V - Doanh nhân Sài Gòn