Giảng đường, phòng thực hành ở ngay doanh nghiệp
Việc đưa sinh viên (SV) về nhà máy, công ty học tới 50 - 60% trong chương trình đã được nhiều trường cao đẳng (CĐ), trung cấp thực hiện, giúp người học tốt nghiệp ra trường là làm việc được ngay.
Những năm qua, mỗi năm có hàng trăm SV Trường CĐ nghề Lilama 2 theo học các nghề điện tử công nghiệp, cơ điện tử, cơ khí xây dựng và cắt gọt kim loại - CNC được đào tạo theo mô hình nhà trường phối hợp với doanh nghiệp (DN).
SV chỉ học lý thuyết tại trường, những tiết thực hành được học trực tiếp tại Công ty Bosch VN, Tập đoàn Mercedes Benz và 2 DN khác của VN.
Còn tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2, mô hình “đào tạo kép” cũng được thực hiện theo tỷ lệ 45% học tại trường và 55% tại DN.
Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã thực hiện chương trình “học kỳ trong DN”, theo đó SV sẽ được thực hành, thực tập và học các kỹ năng làm việc 2 - 3 tháng như một nhân viên chính thức tại các công ty và được cấp chứng nhận khi kết thúc.
Các trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Nghề TP.HCM… cũng đã liên kết với nhiều DN trong và ngoài nước để rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực hành, tạo điều kiện cho SV được vừa học vừa tập sự công việc ngay tại công ty, nhà máy.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH, nhìn nhận: “Trong bối cảnh cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, các trường phải liên kết, hợp tác với DN để giúp SV có được môi trường học tập hiện đại và gắn với thực tiễn”.
Còn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhìn nhận: “Các trường phải mời đại diện DN đến cùng thảo luận, nhờ góp ý để xây dựng một chương trình thực hành có tính sư phạm mà vẫn phù hợp với quy trình làm việc thực tế. Sau đó đưa SV về DN học tập, thực hành. Tốt nghiệp, người học sẽ có thể làm việc được ngay mà không mất thời gian làm quen”.
Mỹ Quyên - Báo Thanh niên