Nông nghiệp công nghệ cao: Phép màu Israel và giải pháp cho Việt Nam
Áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là lời giải đáp cho “phép màu trên hoang mạc” của người Israel.
Không có "rừng vàng, biển bạc", Israel được biết đến là đất nước duy nhất có khả năng biến sa mạc khô cằn thành đất canh tác, trồng trọt, phát triển nông nghiệp thành công và thay đổi nền nông nghiệp thế giới.
Với diện tích chỉ khoảng 20.000 km2, trong đó 70% diện tích lãnh thổ là sa mạc, còn lại là đồi núi đá trọc, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, người Israel nổi tiếng với sự tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo cho việc áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Gom lũ
Hơn 2000 năm trước, vùng đất Israel nằm giữa trung tâm sa mạc Negev chủ yếu là người Nabateans sinh sống.
Họ đã mất nhiều năm tìm ra cách để tồn tại và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt. Người Nabateans phát triển hệ thống thu gom nước lũ chuyển tới những khu vực quanh đê hoặc những hố và rãnh lớn được đào thủ công để trồng những loại cây nhỏ đến lớn.
Hệ thống này ngày càng phát triển, nhất là khi con người biết sử dụng cây giống họ đậu có khả năng hấp thụ nitơ trong khí quyển, tái tạo đạm cho đất.
Thời hiện đại, các nhà khoa học và công ty Israel còn sáng tạo pin quang điện tập trung (CPV), một giải pháp cho nền nông nghiệp Israel và các nước đang phát triển.
Bước đột phá khác đến vào năm 1960, công ty Israel Netafim phát minh công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại, điều được coi là "cốt tử" trong bối cảnh nước quý và khan hiếm trên sa mạc.
Cà chua và anh đào trồng tại sa mạc Israel có thể được tìm thấy trong các cửa hàng tạp hoá trên khắp thế giới. Cà chua anh đào trồng có độ ngọt cao gấp 2-3 lần so với những nơi khác do nước sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, nguồn nước có nhiều khoáng chất.
Ngày nay, nông dân Israel đang phát triển những giống cà chua mới hơn để tăng năng suất trong khi Negev đã tăng sản lượng cà chua gấp 3-4 lần so với các nơi khác trên thế giới.
Giải pháp cho Việt Nam
Công nghệ nông nghiệp hiện đại Israel được ứng dụng nhiều tại nước ta, thậm chí ở cả Tây Nguyên.
Tại Buôn Ma Thuột, nhiều người biết đến chị Vương Thị Hoan, chủ cửa hàng “Cà phê rau 47” chuyên bán rau sạch, được sản xuất theo công nghệ Israel.
Chị Hoan cho biết, trong nhiều lần làm thông dịch viên cho các chuyên gia nông nghiệp Israel, chị có cơ hội tiếp xúc trực tiếp các mô hình trồng rau hữu cơ tại nước sở tại nên muốn chia sẻ kiến thức có được cho nhiều người biết.
Tháng 2/2017 chị cùng với chị bạn Nguyễn Thị Thái Thanh (người cùng đam mê rau sạch) chung vốn thuê mảnh đất rộng gần 500 m2 ở đường Dương Vân Nga, TP. Buôn Ma Thuột) mở quán cà phê.
Toàn bộ không gian quán được thiết kế đậm chất Bắc Bộ với mái nhà ngói đỏ kèm những luống rau xanh tốt được trồng theo phương pháp khí canh, thủy canh hồi lưu, phương pháp tưới nhỏ giọt.
Chị Hoan nói khi nỗi lo thực phẩm bẩn ngày càng gia tăng thì mô hình trồng rau sạch đang là xu thế tất yếu. Minh chứng là nhiều mô hình trồng rau sạch hiện đại trên thế giới đã được các gia đình, trang trại ở thành phố lớn của Việt Nam áp dụng.
Tại miền Bắc, hồi tháng 3, Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân đã tới thăm Dự án đầu tư Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco Tam Đảo do Tập đoàn Vingroup triển khai tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại đây, ông đánh giá cao quy trình sản xuất của VinEco, đặc biệt là giống, quy trình gieo trồng, thu hoạch và đóng gói. Nhận xét rau của VinEco rất sạch, tự tay Tổng thống đã hái rau ăn tại nhà kính và cho biết vị "rất ngon và tuyệt vời”.
Đơn vị này hiện cung cấp cho thị truờng khoảng 10 tấn/ngày, với cơ cấu cây trồng phong phú như rau mầm, rau thủy canh, các loại rau gia vị, rau ăn lá, rau ăn quả và một số loại rau đặc biệt như súp lơ san hô, súp lơ ngọc bích, dưa lê, dưa lưới,…
Đinh Huy Hoàng (24 tuổi, chuyên ngành khoa học cây trồng, khoa nông lâm, ĐH Tây Nguyên), cho biết với ước muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm rau sạch, không hóa chất, Hoàng đã tự thiết kế và thực hiện mô hình vườn rau hữu cơ, được trồng theo công nghệ tiên tiến Israel.
“Điều khiến chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi tới Israel là khí hậu nơi đây khắc nghiệt, mùa hè từ 12h - 14h có thể lên đến 50oC, không có gió và khô hanh, thế nhưng các loại cây trồng đều tươi tốt” - Hoàng nhớ lại.
Mọi công việc đều ở trong nhà kính, nơi có hệ thống phun sương điều hòa nhiệt độ, đảm bảo duy trì được sản xuất đều đặn quanh năm, không lệ thuộc vào thời tiết.
Hoàng kể lại rằng trên vùng đất của đá, sa mạc khô cằn và độ dốc lớn, để trồng trọt người Israel phải san ủi đá, đổ một lớp cát dày 30-40cm, có nơi còn mua đất ở nơi khác về để trồng trọt. Do lượng mưa thấp, thiếu nước nên người dân Israel phải khoan sâu 500-2.000m và lọc nước biển để có nước sinh hoạt và trồng trọt.
Trong các lớp học trồng hữu cơ, Hoàng và các bạn khác được tiếp xúc với công nghệ sinh vật đối kháng. Thay vì phun thuốc trừ sâu thì có thể nuôi các loài như ong bắt sâu, ấu trùng bọ rùa... để bắt sâu.
“Một năm vừa học vừa làm tại Israel đã giúp mình học được rất nhiều điều và nhận thấy ở Tây Nguyên khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào... nên bắt đầu có ý tưởng làm một trang trại nhỏ để trồng rau sạch” - Hoàng tâm sự.
Ngoài trồng các loại thực vật, Hoàng còn có một góc nhỏ nuôi thỏ. Trong tương lai, Hoàng sẽ hướng đến mô hình nuôi trồng cung cấp cả thịt - trứng - sữa - rau.
Văn Việt - Báo Nông nghiệp