Kế bước Concorde, một startup tham gia làm máy bay siêu thanh

Kể từ khi Concorde từ giã bầu trời vào năm 2003, không còn máy bay thương mại nào bay với vận tốc siêu thanh nữa. Nhưng cơ hội tái xuất của dòng máy bay siêu thanh đang dần trở thành hiện thực với sự hợp tác giữa Japan Airlines và startup Boom Supersonic ở Mỹ.

Biểu tượng một thời

Concorde – dự án hợp tác giữa Pháp và Anh – là máy bay chở khách siêu thanh thương mại thành công nhất từng hoạt động suốt 34 năm, từ 1969 – 2003.

Nó thường được sử dụng cho những chặng bay vượt Đại Tây Dương, như từ London và Paris tới New York, với vận tốc kỷ lục Mach 2,04 (tức gấp đôi vận tốc âm thanh), tương đương 2.180 km/h, giảm thời gian bay từ Heathrow London tới JFK New York chỉ còn 2 giờ 52 phút 59 giây. Tuy nhiên, giá vé cũng không hề rẻ: để đi một chặng khứ hồi giữa London và New York là 5.400 bảng Anh vào năm 1997.

Concorde có thiết kế “mũi gục” độc quyền để tăng tầm nhìn, với 4 động cơ Olympus dựa trên nguyên mẫu của loại được phát triển cho máy ném bom chiến lược Avro Vulcan, và hệ thống kiểm soát bay bằng tín hiệu điện tử (fly-by-wire analogue).

Khi hoạt động, Concorde sử dụng chiến thuật bay siêu thanh với độ cao tăng dần đều để đạt hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu tốt nhất, trong lúc những máy bay chở khách thông thường phải điều chỉnh độ cao theo hướng dẫn của hệ thống kiểm soát không lưu.

Những đường bay vượt Đại Tây Dương của nó luôn được chỉ định sao cho máy bay có khoảng không rất rộng nhằm đảm bảo cho việc tăng dần độ cao lên đến 15.240 – 18.288 m và hạ cánh an toàn.

Vì không có đối thủ cạnh tranh, cả Pháp và Anh đều không phải chịu áp lực nâng cấp Concorde với những hệ thống điện tử hàng không tiên tiến thay vì công nghệ analogue lạc hậu, hay những tiện nghi đời mới nhất cho khách hàng, so với các dòng máy bay chở khách khác được sản xuất trong cùng thời kỳ, như Boeing 747.

Giai đoạn phát triển Concorde tốn kém khiến Chính phủ Anh và Pháp chịu khá nhiều thiệt hại về kinh tế, mặc dù hãng British Airways đã thu được một khoản lợi nhuận khi khai thác dòng máy bay này.

Năm 2000, Concorde gặp tai nạn nghiêm trọng tại Paris khi bình nhiên liệu bị vỡ bởi một mảnh kim loại titan rơi ra từ chiếc máy bay vừa cất cánh trước đó, 100 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn cùng 4 người trên mặt đất đã thiệt mạng.

Cùng nhiều yếu tố khác, Concorde bị cho ngừng hoạt động vào ngày 24/10/2003. Kể từ đó, không có máy bay thương mại nào đạt tới vận tốc siêu thanh, tức là bằng hoặc lớn hơn Mach 1 hay tương đương 1.235 km/h.

Nhân tố mới

Thời gian gần đây, trong bối cảnh giá nhiên liệu giảm và nhu cầu di chuyển nhanh gia tăng, tiềm năng hồi sinh của dòng máy bay siêu thanh đã trở thành một chủ đề nóng với sự xuất hiện của Công ty Boom Supersonic ở Denver.

Hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines (JAL) đã đầu tư khoảng 10 triệu USD cho dự án thiết kế máy bay siêu thanh thương mại của startup này. Theo một điều khoản hợp tác, JAL sẽ được quyền tùy chọn mua 20 máy bay khi Boom phát triển thành công.

Boom kỳ vọng máy bay của mình sẽ nhanh hơn, rẻ hơn và hoạt động ít ồn hơn so với Concorde. Cụ thể, máy bay của Boom được thiết kế để đạt tốc độ Mach 2,2 (2.716 km/h) khi bay, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa bờ Tây Hoa Kỳ và Tokyo xuống 5,5 giờ – chỉ bằng một nửa so với hiện nay. Ngoài ra, Boom còn dự kiến sẽ trang bị ghế nằm phẳng cho các hành khách vào năm 2023.

Theo Bake Scholl – nhà sáng lập và CEO của Boom, JAL là hãng hàng không thương mại đầu tiên công khai việc đầu tư và tài trợ cho dự án của Boom. Và mặc dù Boom chỉ định ra mắt dịch vụ trên thị trường vào giữa những năm 2020, nhưng hiện công ty đã được một số hãng đặt hàng 76 máy bay siêu thanh, trong đó Virgin Group của tỷ phú Richard Branson có thể sẽ mua 10 máy bay đầu tiên.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ làm việc với nhiều hãng hàng không trên thế giới” - Scholl trao đổi với TechCrunch qua một email. “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi là tìm được ít nhất một đối tác ở mỗi châu lục. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với những công ty vận tải toàn cầu để tối đa hóa giá trị đầu tư của Japan Airlines và mang tới những chuyến bay thương mại ở vận tốc siêu thanh.”

Tuy nhiên, trong quá khứ Concorde cũng nhận được nhiều kỳ vọng tương tự trong giai đoạn đầu phát triển – khi đó, không ít hãng hàng không đã đặt mua Concorde song cuối cùng, vào những năm 1970, một số hãng lại quyết định hủy bỏ đơn hàng, bao gồm Trans World Airlines (Mỹ), Continental United (Mỹ), Japan Airlines...

Hải Đăng - Khoa học phát triển