6 địa điểm lý tưởng cho cuộc cách mạng canh tác nông nghiệp
Với những phương pháp canh tác hiện đại, không tốn nhiều đất nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao và thân thiện với môi trường, bạn có thể làm vườn ở trong nhà, trong thành phố hay thậm chí là trên sa mạc...
Hiện nay, các hệ thống thủy canh đang dần trở nên phổ biến nhờ lợi thế trồng rau quả trong một phạm vi hẹp mà không cần dùng đến đất. Đối với các hệ thống thủy canh, cây sẽ được trồng trong dung dịch đặc biệt có pha thêm những dưỡng chất cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Ánh sáng cho cây có thể là ánh mặt trời tự nhiên hoặc ánh sáng nhân tạo đặc biệt cho cây phát triển. Ngoài ta, còn có rất nhiều hệ thống thủy canh sử dụng năng lượng tái tạo để hoạt động.
Tiến bộ hơn nữa là hệ thống aquaponic farming. Đây là hình thức canh tác kết hợp nuôi trồng thủy sản và thủy canh, trong đó chất thải của cá được dùng làm “phân bón” cho cây. Chưa hết, một số hệ thống canh tác kiểu mới còn cung cấp dưỡng chất cho cây qua… không khí.
Tất cả những cải tiến trong phương pháp canh tác đều nhằm mục đích cung cấp đầy đủ thực phẩm cho dân số ngày càng tăng trên thế giới theo cách thân thiện với môi trường hơn. Sau đây là 6 địa điểm lí tưởng cho các ý tưởng canh tác "thế hệ mới":
Trong bối cảnh khách hàng ngày càng quan tâm đến tiêu dùng xanh, các cửa hàng cũng nhận ra rằng công việc kinh doanh của họ sẽ khả quan hơn nếu họ chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu, hãng bán lẻ Target đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm vào đầu năm 2017 với những khu vườn thủy canh thẳng đứng được thiết lập ở nhiều cửa hàng Target, nhằm mục đích mang đến cho khách hàng rau quả tươi ngon nhất có thể.
Không chỉ vậy, Target còn hợp tác với phòng thí nghiệm MIT Media Lab thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và công ty thiết kế sản phẩm IDEO để thiết kế một hệ thống trồng rau sử dụng một lượng nước rất ít. Hãng bán lẻ này hi vọng sẽ áp dụng công nghệ mới đối với những loại nông sản khác như khoai tây, bí, và củ cải đường.
Trong khi đó, Tập đoàn nội thất hàng đầu thế giới IKEA cũng đã hợp tác với công ty thiết kế của Đan Mạch là SPACE10 để tạo nên các hệ thống thủy canh tích hợp trong nhà và các cửa hàng.
Để chuẩn bị cho tương lai đầy biến động với khí hậu thay đổi và viễn cảnh dầu mỏ không còn là nguồn năng lượng chính của thế giới, đất nước Saudi Arabia đã có nhiều động thái đáng ghi nhận trong việc xây dựng hệ thống bền vững ở những khu vực hoang mạc của quốc gia này.
Một trong số đó là thay đổi các tập quán canh tác truyền thống và nhất là chú trọng hơn vào việc giảm thiểu lượng nước dùng trong nông nghiệp. Một nông trại ở thị trấn Jeddah sử dụng phương pháp khí canh (trồng cây trong môi trường không khí): cây được đặt trong nhiều tầng giàn sao cho tiếp xúc với không khí, còn dưỡng chất thì được cung cấp dưới dạng phun sương.
Hệ thống này do công ty AeroFrams phát triển và là nông trại khí canh đầu tiên trên thế giới. Hiện các kĩ sư đang nỗ lực nghiên cứu nhằm bổ sung vào hệ thống khả năng hấp thụ hơi nước trong không khí để cung cấp nước tưới cho cây.
Đối với những nông trại hoang mạc chọn phương pháp thủy canh, công việc canh tác ở các nông trại này vẫn có thể diễn ra mà không cần đến nguồn nước ngọt. Ở vùng Nam Úc khô cằn, công ty Sundrop Farms sử dụng một hệ thống thủy canh bằng năng lượng mặt trời để sản xuất 15% lượng cà chua của cả nước. Nước ngọt dùng cho nông trại này được lấy từ một vịnh nước mặn gần đó và được khử mặn bằng sức nóng mặt trời.
Trong khi đó, ở các hoang mạc thuộc vùng Bắc Cực và Nam Cực, các phương pháp canh tác không cần đất đã giúp nông dân tận dụng tối đa những vụ mùa ngắn ngày.
Trong bối cảnh gia tăng dân số thành thị, các thành phố đang đầu tư vào các hệ thống sản xuất lương thực thực phẩm vừa hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế, vừa giảm lượng carbon ở khu vực đô thị.
Tại một nhà kho ở vùng Cận Đông của thành phố Indianapolis, công ty Farm 360 canh tác và thu hoạch rau từ một hệ thống thủy canh hoạt động hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo và sử dụng lượng nước ít hơn canh tác truyền thống đến 90%. Sản phẩm thu hoạch được bán ở các cửa hàng địa phương, và nông trại của Farm 360 cũng tạo ra hàng chục việc làm cho người dân trong khu vực.
Ngay cả ở những đô thị bị cô lập nhất, canh tác không cần đất vẫn có chỗ đứng. Với mong muốn hỗ trợ cho nền kinh tế đang bị đình đốn do các chính sách cấm vận của Israel, dải Gaza đã tiến thêm một bước với ý tưởng sản xuất lương thực trên mái nhà.
Bắt đầu từ năm 2010, một chương trình nông nghiệp đô thị do Liên Hợp Quốc tài trợ đã trang bị hồ cá, thiết bị, và kinh phí để xây dựng hệ thống kết hợp nuôi trồng thủy sản và thủy canh ở hơn 200 hộ gia đình do phụ nữ làm trụ cột. Sáng kiến này đã khuyến khích những người khác tự tạo hệ thống canh tác cho riêng mình và hướng dẫn mọi người cùng thực hiện.
Canh tác không cần đất có thể diễn ra… dưới lòng đất. Tại Paris, công ty Cycloponics đã và đang điều hành La Caverne, một nông trại đô thị độc đáo trồng nấm và rau. Điều đáng nói là vị trí của nông trại này trước đây một bãi đỗ xe ngầm bỏ hoang.
Hệ thống thủy canh của La Caverne sử dụng ánh sáng đặc biệt bảo đảm cho rau phát triển, còn nấm thì được trồng trong một môi trường đặc biệt. Đáng chú ý hơn, rau sẽ sử dụng khí CO2 tỏa ra từ quá trình hô hấp của nấm.
Cùng chung ý tưởng với La Caverne là Growing Underground - nông trại dưới lòng đất đầu tiên ở London. Trên nền hệ thống đường hầm thời Thế chiến II bỏ hoang rộng hơn 1 hecta, Growing Underground là nơi trồng các loại nông sản như đậu Hà Lan, nhiều loại củ cải, cây mù tạt, ngò, dền đỏ, cần tây, mùi tây, và xà lách rocket.
Tương tự với trồng cây dưới lòng đất là trồng cây trong những thùng hàng container có mái che. Local Roots - một nông trại thủy canh hoạt động bằng năng lượng mặt trời ở Los Angeles - có thể sản xuất một lượng nông sản với chi phí tương đương nhưng tiết kiệm đến 99% lượng nước so với canh tác truyền thống.
Nhiều dự án trồng cây không đất còn đi xa hơn khi thành lập nông trại nổi trên mặt nước. Nhóm thiết kế Forward Thinking Architecture đến từ Barcelona đã đề xuất một giải pháp cấp tiến cho vấn đề sụt giảm diện tích đất canh tác với nông trại nổi, hoạt động bằng năng lượng mặt trời.
Bằng cách sử dụng các đơn vị cấu trúc có kích thước 350m x 200m, thiết kế nông trại của Forward Thinking Architecture cho phép mở rộng và thay đổi cấu trúc tổng thể của nông trại.
Mỗi đơn vị cấu trúc có 3 tầng: tầng đáy là nơi khử mặn và nuôi trồng thủy sản, tiếp đến là tầng thủy canh, và trên cùng là tầng đặt pin mặt trời và bồn chứa nước mưa. Theo ước tính của nhóm thiết kế, mỗi đơn vị kết cấu có thể tạo ra 8.152 tấn rau và 1.703 tấn cá mỗi năm.
Trong khi đó, công ty nông trại nổi GreenWave có một ý tưởng khác là kết hợp nuôi trồng hải sản có vỏ với rong biển. Cả hai loại sản vật này vừa cho lợi nhuận cao, vừa giúp làm sạch môi trường nước và hấp thụ khí nhà kính.
Nông trại của GreenWave hầu như không tốn tài nguyên, góp phần giảm lượng CO2 trong không khí và nước, đồng thời tiêu thụ luôn lượng nito dư thừa vốn gây ra hiện tượng rong tảo phát triển quá mức và hiện tượng Vùng Chết ( xảy ra khi lượng oxy trong nước không đủ cung cấp cho hệ sinh thái dưới nước).
Đúng vậy, bạn có thể tự tạo một hệ thống thủy canh tại gia, và thực tế là có rất nhiều lựa chọn để bạn tham khảo. Hãy bỏ thời gian tìm hiểu trên internet cùng bắt tay vào làm vườn nào!
Quốc Huy (Inhabitat)