Vườn ươm trường đại học: Nên tập trung xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo
Các vườn ươm trường đại học ở ta vẫn chưa phát huy được vai trò của nó, và vẫn còn hoạt động giống các vườn ươm bên ngoài - Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Giám đốc của vườn ươm Trường đại học Nguyễn Tất Thành đánh giá.
Vườn ươm đại học thúc đẩy kinh tế địa phương
Vườn ươm trong trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ tinh thần doanh nhân, đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong sinh viên, giảng viên; hỗ trợ hoạt động chuyển giao kinh nghiệm trong trường đại học; gắn kết trường đại học với các doanh nghiệp và phát triển kinh tế địa phương.
Đặc biệt, vườn ươm ở trường đại học chuyên hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn đầu.
Lúc đó, các ý tưởng của các bạn khởi nghiệp còn thô sơ và chưa cách biết triển khai. Giai đoạn này giống như giai đoạn sơ sinh, người khởi nghiệp còn thiếu kiến thức, kỹ năng cơ bản. Vườn ươm trường đại học sẽ gánh lấy trách nhiệm 'dạy dỗ', bà Hà Thanh cho biết.
Đây là điểm khác biệt so với các vườn ươm bên ngoài. Thông thường, những vườn ươm bên ngoài chỉ giúp đỡ các dự án khởi nghiệp vào giai đoạn 3 – lúc đã có sản phẩm cụ thể, có đội nhóm làm việc đầy đủ.
“Các vườn ươm trường đại học ở ta chưa chú trọng giúp đỡ các sinh viên trong giai đoạn hình thành ý tưởng, mà lại tập trung hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đã nên hình hài. Tuy nhiên, đa phần các dự án của sinh viên đều chưa đủ nội lực để phát triển nên việc hỗ trợ phần nhiều đều thất bại. Việc làm này đi chệch hướng với sự phát triển các vườn ươm trường đại học trên thế giới”, bà Hà Thanh nói.
Theo bà Thanh, nếu các vườn ươm trường đại học làm tốt vai trò của mình thì nền kinh tế ở địa phương sẽ có nhiều bước phát triển. Vì các trường đại học là nơi đào tạo về kiến thức và kỹ năng cho sinh viên – nguồn lực quan trọng để vận hành và điều phối nền kinh tế địa phương trong tương lai.
“Thông qua các vườn ươm, sinh viên được trang bị tinh thần doanh nhân, các kiến thức về khởi nghiệp. Đây là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương. Hơn nữa, các dự án khởi nghiệp phù hợp có thể áp dụng cho việc sản xuất ngay tại địa phương”, bà Hà Thanh chia sẻ.
Làm rõ hơn vai trò của vườn ươm trường đại học, bà Thanh nói: "Đa phần các nhà đầu tư bên ngoài khi rót vốn đều quan tâm đến lợi nhuận. Còn trường đại học thì cung cấp, hỗ trợ về mặt cơ chế, tài chính để khích lệ tinh thần ham mê ĐMST trong sinh viên, tạo cho sinh viên môi trường vừa học vừa sáng tạo, định hình dần nền văn hóa, tinh thần làm việc của doanh nhân".
“Môi trường ở các vườn ươm đại học sẽ khuyến khích các bạn sinh viên suy nghĩ, tập hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, thử và sai để tích lũy kinh nghiệm. Vườn ươm không khích lệ các bạn khởi nghiệp ngay lập tức”, bà Thanh cho biết thêm.
Xây dựng văn hóa ĐMST trong trường đại học
Còn ông Vũ Tuấn Anh - Trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, các trường đại học bắt buộc phải trở thành trường đại học khởi nghiệp và ĐMST, nếu không sẽ khó phát triển bền vững. Vì theo ông hiện nay rất nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp.
“Vườn ươm trường đại học phải giúp cho trường ĐMST, giúp sinh viên, giáo viên khởi nghiệp trước, sau đó dư thừa nguồn lực mới giúp đỡ các dự án khởi nghiệp bên ngoài. Đặc biệt, trong trường giảng viên phải là người khởi nghiệp trước rồi mới dạy cho sinh viên được, nếu không lấy gì làm gương cho lớp trẻ nhìn theo?”
Đồng quan điểm như trên, bà Hoàng Anh của tổ chức SECO EP cũng cho rằng vườn ươm trường đại học nên tập trung xây dựng văn hóa ĐMST. Bà nói:
“Nhà trường nên tập trung nguồn nhân lực để nghiên cứu các vấn đề khác nhau, không chỉ là khởi nghiệp. Vì khởi nghiệp là công việc rất khó khăn, nên trước tiên hãy suy nghĩ làm sao để sinh viên có thể áp dụng ĐMST vào việc làm công ăn lương khi đi làm sau này”.
“Khởi nghiệp, đầu tiên nên bắt nguồn từ giáo dục. Sinh viên nên suy nghĩ và học về ĐMST một cách nghiêm túc. Khi nào thấy mình đã tích lũy đủ kinh nghiệm mới tính đến chuyện khởi nghiệp, không nên đi làm thấy khó khăn quá rồi nghỉ để khởi nghiệp”, bà Hoàng Anh cho biết thêm.
Chia sẻ về vườn ươm và góc nhìn khác về đào tạo khởi nghiệp, ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên BCH Trung ương Hội Tư vấn thuế VN cho rằng, không nên đưa khởi nghiệp trở thành một môn học ở trường đại học.
Ông nói: “Không phải ai cũng có thể khởi nghiệp, cho nên việc bắt buộc tất cả học môn này là lãng phí và thêm một gánh nặng cho sinh viên. Chỉ nên tập trung xây dựng các vườn ươm trong trường đại học, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để thu hút những bạn sinh viên quan tâm đến lĩnh vực này là ổn rồi”.