Đến năm 2022, TP.HCM là một trong những thành phố thân thiện với trẻ em nhất ASEAN

Ông Brian - đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) - tin tưởng, đến năm 2022, TP.HCM sẽ trở thành một trong những thành phố thân thiện với trẻ em và đổi mới sáng tạo nhất khu vực ASEAN.

Chiều 2/3/2017, tại SIHUB (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) diễn ra buổi thảo luận về Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho trẻ em.

Phát biểu về việc đổi mới sáng tạo vì một Thành phố thân thiện với trẻ em, ông Brian cho biết: “Đổi mới sáng tạo có thể cung cấp một cách hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ cũng như các cơ hội tốt cho trẻ em và những cộng đồng khó có cơ hội tiếp cận đến chúng”.

Đổi mới sáng tạo gồm các ứng dụng tỉ mỉ, khéo léo đến các công nghệ mới như thiết bị bay tự động dùng xác định/phát hiện thiên tai.

Bên cạnh đó là các giải pháp cộng đồng mang tính sáng tạo, như xây trường học nổi cho những vùng ngập lụt và kể cả các hình thức mới trong quan hệ hợp tác.

Về tầm nhìn của TP.HCM trong tương lai, ông Brian tin tưởng, đến năm 2022, TP.HCM sẽ trở thành một trong những thành phố thân thiện với trẻ em và đổi mới sáng tạo nhất khu vực ASEAN.

Đề xuất một vài cách tiếp cận dựa vào trẻ em để thiết kế các chương trình, ông Brian đưa ra các ví dụ cụ thể, như xác định dữ liệu để hỗ trợ xây dựng các chương trình mới cho trẻ em nhập cư; trao quyền cho giới trẻ để họ hành động nhằm giải quyết các vấn đề của chính cộng đồng họ sinh sống; sử dụng công nghệ mới để giải quyết các vấn đề phức tạp; thu thập, phân tích và báo cáo các thông tin quan trọng với những người ra quyết định hàng ngày thay vì hàng tuần…

Trong khi đó, bàn về vấn đề giáo dục khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho người trẻ ở nước ta, theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, vẫn còn nhiều bất cập. Ông nói: 

“Ở Bắc Âu, kiến thức về đổi mới sáng tạo đã được dạy từ thời phổ thông, còn ở ta thì không. Các kiến thức căn bản về khởi nghiệp cũng chưa được đào tạo cho các bạn học sinh. Cho nên, khi Việt Nam bê nguyên mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở nước ngoài về áp dụng, ta luôn bị thiếu hụt phần nền tảng”.

Để khắc phục những khó khăn này, ông Tước cho rằng, đến năm 2020, mục tiêu của TP.HCM sẽ có 20 trường Đại học hình thành chương trình đào tạo có giảng viên, giáo trình giảng dạy về khởi nghiệp. Và 50% hệ thống trường phổ thông có câu lạc bộ đổi mới sáng tạo.

Bích Trâm - Khampha