Cần sớm có quy chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ
Trên thế giới hiện có 172 quốc gia áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 43,7 triệu hecta. Trong đó, có 87 quốc gia xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm hữu cơ. Tại Việt Nam, hiện đã có 30/63 tỉnh, thành phố sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất nhưng chưa có quy chuẩn, chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
Có thể nói, khó khăn lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hữu cơ được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp nêu lên tại nhiều diễn đàn và mới đây, một hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức - thì chủ yếu mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam là do tư nhân hoặc nhóm nông dân thực hiện; việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn thiếu hành lang pháp lý; chứng nhận sản phẩm hữu cơ và cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất còn nhiều hạn chế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch: Tiêu chuẩn và chứng nhận sản xuất hữu cơ là cơ sở cần phải được xem xét hiện nay vì nếu không giải quyết được vấn đề này việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ không có cơ sở để quản lý, giám sát chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Hiện nay có tình trạng người sản xuất hữu cơ hoặc theo quy trình hữu cơ nhưng khi sản phẩm “ra lò” lại phải bán như sản phẩm thường.
Giống như hai mặt của một vấn đề, khi mà sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khó khăn trong việc chứng nhận chất lượng vì chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất chế biến thì không chỉ khó khăn cho người sản xuất, mà khiến cho người tiêu dùng khó tin tưởng, an tâm khi sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh thật - giả khó phân biệt.
Dưới góc độ của nhà khoa học, đại diện của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh:
Việc quy hoạch và phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn liền với việc xây dựng những tiêu chuẩn, quy chuẩn một số nhóm sản phẩm cụ thể; Công việc này còn gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia cũng như chiến lược xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong tương lai.
Một số sản phẩm chủ lực có lợi thế trong lĩnh vực thủy sản, cây trồng như: Tôm, gạo, cà phê, dược liệu… cũng cần tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ để đưa ra thị trường.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ những suy nghĩ và quyết tâm của ngành sẽ tập hợp những bất cập và đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Đồng thời, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hình thành đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng như sẽ hoàn thiện Bộ tiêu chuẩn để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sớm đi vào cuộc sống…
Theo laodong.com.vn