Robot sẽ thay người nông dân làm việc trên cánh đồng
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay công nghiệp thế hệ 4.0 là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, internet vạn vật (IoT) và các hệ thống vận hành qua internet (IOS). Đặc biệt, nông nghiệp vốn được coi là ngành kinh tế có lực lượng người trực tiếp lao động cao nhất cũng đang được thay thế bằng máy móc hiện đại và bằng cả…robot.
Nói một cách dễ hiểu thì đó là các nhà máy thông minh với máy móc được kết nối và liên kết qua internet, tự vận hành toàn bộ quy trình sản xuất và cần rất ít đến sự xuất hiện của con người. Tại VN, khái niệm công nghiệp 4.0 cũng đang được nhắc đến như một cơ hội để nền kinh tế bứt phá.
Máy sẽ quyết định cuối cùng
Công nghiệp thế hệ 4.0 trong nông nghiệp được hiểu một cách nôm na là nhà nông có thể sử dụng máy vi tính để phân tích mùa vụ tới có thể trồng được cây gì, lượng nước tưới ra làm sao, cần bổ sung phân bón gì...
Thậm chí biết được mùa vụ này thời tiết thay đổi không thể trồng loại cây đó bởi sẽ cho năng suất thấp. Nhà nông có thể nhờ vào máy tính, robot để thay mình quyết định tất cả và chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
Theo Hội Nông dân VN, công nghệ tự động hóa sẽ thực hiện và giải được các bài toán dự báo về biến đổi khí hậu (lũ lụt, hạn hán...), dự báo thị trường, tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác một cách chính xác, điều hành cung cấp các loại vật tư vừa đủ cho cây trồng, xác định sức khỏe của vật nuôi.
Chuyên gia công nghệ Nguyễn Đăng Tiến, Phó chủ tịch Tập đoàn Diginet, nhận định công nghiệp thế hệ thứ 4 sẽ giúp ngành nông nghiệp có sự thay đổi phát triển lớn về lượng lẫn chất.
“Mọi việc con người làm thì với công nghệ thứ 4, chính những robot hoàn toàn nắm phần chủ động, thay nhà nông trên cánh đồng. Với dữ liệu lớn, IoT giúp phân tích để đưa ra quyết định thay vì con người quyết định sau cùng như hiện nay”, ông Tiến nói.
Ví dụ một nhà nông muốn trồng rau, cây ăn quả trên mảnh đất của mình, thường qua kinh nghiệm bản thân, cha truyền con nối.
Như vùng đất đỏ bazan thường được chọn trồng các cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều..., vùng đồng bằng đất sét giàu phù sa thường để trồng lúa, cây ăn quả... tất cả đều từ kinh nghiệm và phỏng đoán là chính. Tuy nhiên, với công nghiệp số mới, mọi cái có thể thay đổi.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn LogiGear (Mỹ), phân tích: “Chính công cụ IoT giúp đo được độ ẩm của đất, độ dinh dưỡng, tính chất... kết hợp nhiều dữ liệu khác, đưa ra quyết định vùng đất của ông A này xưa nay chỉ có trồng bưởi da xanh là không đúng mà chỉ thích hợp để trồng lúa nước.
Quan trọng là công nghệ số cần một lượng dữ liệu lớn, từ đó, thay con người tổng hợp, phân tích và đưa ra kết luận nói trên. Hoặc chẳng hạn đất ở vùng quê tỉnh Long An xưa nay nhà nông chỉ có trồng dưa hấu, nhưng qua phân tích dữ liệu từ IoT, với độ ẩm vùng và ánh sáng ở đó, kết luận cho biết trồng dưa hấu là không thích hợp, chỉ có trồng rau thôi…”.
Nhà nông sẽ chỉ ngồi trước máy ?
Như vậy, người máy sẽ dần hiện diện nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp trực tiếp, thậm chí thay thế hoàn toàn con người.
“Nhà nông lúc đó chỉ có thể là người quản lý đồng ruộng, quản lý chuồng trại, thay vì mất cả ngày làm việc trên cánh đồng hay trong trại chăn nuôi gà, heo. Hiện tại đã có một số quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ sản xuất ra người máy với giá thấp nhất chỉ hơn 100 USD, dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp”, ông Tiến thông tin.
Ngoài ra, tại các trang trại chăn nuôi lớn, theo chuyên gia công nghệ, công nghệ số không chỉ giúp thu thập số lượng lớn dữ liệu từ các con chíp được gắn trên các cá thể vật nuôi để theo dõi mà giúp đưa ra các thông tin kiểm soát được thời điểm nào cho ăn, ăn lượng bao nhiêu để đạt hiệu quả cao nhất.
“Con người lúc đó có thể chỉ quản lý trang trại gà đó bằng việc ngồi trước chiếc máy vi tính để thao tác chứ không phải đi vào trong trại gà nữa”, ông Tiến dự báo.
Cuộc cách mạng đầu tiên là động cơ chạy bằng hơi nước và thủy lực. Rồi đến động cơ điện, dây chuyền sản xuất và điện toán hóa; Cuộc cách mạng số hóa, công nghệ bán dẫn siêu, vi tính và cuộc cách mạng 4.0 là trí tuệ nhân tạo.
Theo Thanh niên