“Cơn sốt” nông nghiệp công nghệ cao tại châu Á

Châu Á đang đứng trước nhu cầu cấp thiết phải ổn định sản xuất nông nghiệp để đối phó với biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số nhanh chóng. Ngành nông nghiệp châu Á đã bắt đầu khai thác tính năng ưu việt của công nghệ để phục vụ sản xuất.

Các trang trại hữu cơ và các nhà máy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn đang trở thành điểm nóng cho đổi mới công nghệ. Các nhà đầu tư quốc tế cũng đang quan tâm tới việc nuôi dưỡng những "hạt giống" này.

Công nghệ - sự sống còn của nông nghiệp hiện đại

Tại Tokyo, ngay cả trang trại trong nhà hiện đại nhất cũng bắt đầu từ một vấn đề cơ bản nhất. Với kiểu canh tác truyền thống, người nông dân chủ yếu sử dụng ánh sáng mặt trời nhưng họ không kiểm soát được nguồn ánh sáng tự nhiên này. Nhưng khi chuyển sang gieo trồng trong nhà kính, người nông dân có thể kiểm soát nguồn sáng, nhiệt độ trong phòng, nhưng họ lại dần mất đi nguồn năng lượng miễn phí.

Sự phá sản của một doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm vào nông nghiệp Nhật Bản vào năm 2015 là một minh chứng điển hình. Mô hình này từng được truyền thông suy tôn là tương lai của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, một phần do chi phí năng lượng, điểm hòa vốn của công ty trở nên quá cao so với nông nghiệp truyền thống.

Dù vậy, sự phá sản này không có nghĩa là hướng đi trên không có cơ sở. Dưới sự điều hành của chủ nhân mới, doanh nghiệp hiện đang hoạt động kinh doanh tốt nhờ tìm được người mua sẵn sàng chi trả mức giá cao cho sản phẩm chất lượng cao.

Các liên doanh canh tác nông nghiệp trong nhà đang gia tăng giá trị bằng cách trồng rau chứa một số chất dinh dưỡng cụ thể. Và sau đó, Spread ra đời với một cách tiếp cận khác, cạnh tranh trực tiếp với rau trồng từ ruộng vườn truyền thống.

Nhà máy này bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2008 và luôn trong tình trạng bế tắc trong mấy năm đầu. Nhưng sự cải thiện dần tính hiệu quả đã giúp công ty kết thúc giai đoạn đen tối vào năm 2014.

Shinji Inada, CEO của Spread, giải thích rằng xây dựng được cơ sở vật chất cố định chỉ là một nửa của vấn đề. Điều quan trọng là công nhân phải thích ứng với môi trường.

Rau diếp được trồng trong nhà không có nghĩa là thời tiết không liên quan. Điều hòa nhiệt độ phải đặt nhiệt độ ổn định trong suốt 4 mùa.

Ngay cả khi đã kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm cũng là yếu tố cần kiểm soát. Công ty mất nhiều thời gian nghiên cứu về cách quản lý tất cả các yếu tố, bao gồm ánh sáng, mức carbon dioxide cần thiết cho sự quang hợp...

Tất cả yếu tố trên đã giúp kế hoạch của Spread thành công. Hiện công ty đang tích lũy kinh nghiệm để phát triển một nhà máy mới tại thành phố khoa học Kansai và một trung tâm nghiên cứu đặt tại các tỉnh Kyoto, Osaka và Nara trong năm nay.

Nhà máy này hiện đang trong quá trình xây dựng, sẽ sử dụng trí thông minh nhân tạo và tự động hóa trong các khâu như gieo hạt, cấy và thu hoạch...

Tìm nguồn giống mới nhờ... công nghệ

Bất kể trồng trọt trong nhà hay ngoài trời, châu Á cần tăng năng suất và giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Diện tích đất nông nghiệp hạn chế, không đủ nước và quản lý nguồn lực yếu kém đang kìm hãm sản xuất. Vì thế, theo nhận định của tờ Nikkei, hiện tại là thời điểm chuyển đổi căn bản cho châu Á.

Châu Á đang cần các giải pháp, và sự ra đời của phòng thí nghiệm khoa học đời sống Temasek của Singapore có thể là một đáp án khả quan. Viện nghiên cứu phi lợi nhuận này đã dành 8 năm để phát triển Temasek Rice - một giống gạo có khả năng kháng các điều kiện thời tiết cực đoan và cho năng suất cao.

Temasek Rice được tạo ra bằng sử dụng kỹ thuật hiện đại tuyển lựa giống dựa trên chỉ thị phân tử (marker-assisted selection).

Kỹ thuật này cho phép các nhà khoa học sử dụng các đặc tính mong muốn và lai tạo nên giống mới, có nhiều điểm cải thiện. Giống lúa này có thể thúc đẩy an ninh lương thực nhờ tăng sản xuất theo hướng hiệu quả và bền vững hơn.

Ở Việt Nam, từ năm ngoái, công ty Vinaphone đã bắt đầu triển khai dịch vụ Nông thôn Xanh (Green Country), hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp bằng việc sử dụng diện thoại di động. Thông qua một mạng xã hội, nông dân có thể lựa chọn giữa 3 gói dịch vụ.

Với gói 10.000 đồng/tháng (45 cents), nông dân tiếp cận được gói cảnh báo thông tin nông nghiệp, bao gồm: thông tin dự báo thời tiết, giá cả, cảnh báo dịch bệnh, tư vấn về các điều kiện bất thường tác động tới sản xuất nông nghiệp.

Các gói dịch vụ riêng cho cà phê và gạo, có mức giá 31 cents và 22 cents mỗi tuần, cung cấp hướng dẫn chi tiết để giúp nông dân ngăn ngừa dịch bệnh. Cùng với một đối tác địa phương, AgriMedia, Vinaphone đã thiết lập các trạm thời tiết tự động trên khắp cả nước. AgriMedia lại hợp tác với WeatherNews của Nhật Bản để cải thiện chất lượng các dự báo.

Tại Indonesia, doanh nghiệp khởi nghiệp 8Villates cũng cung cấp các dịch vụ tương tự. Sự phổ biến của internet, với ngày càng nhiều công cụ kết nổi đang mang lại những thay đổi lớn cho sản xuất nông nghiệp.

Công ty Nhật Bản Kubota và tập đoàn NTT đã bắt tay phát triển máy móc nông nghiệp tự động có trang bị dữ liệu lớn. Các công ty này cải thiện hệ thống phân tích điều kiện mùa màng và các vấn đề hướng dẫn máy móc hoạt động để thu hoạch rau và phun thuốc trừ sâu.

Công ty khởi nghiệp của Singapore Garuda Robotics đang sử dụng máy bay không người lái để hỗ trợ nông dân tăng năng suất. Các nhà nghiên cứu tại Đai học Philippines cũng đang sử dụng dữ liệu vệ tinh để nghiên cứu về nông nghiệp thông minh.

Bên cạnh đó, ngoài các trang trại, nhà máy lớn tại khu vực nông thôn, một doanh nghiệp khởi nghiệp tên là iGrow ở Indonesia đang mang lại cơ hội canh tác nông nghiệp hữu cơ cho các cư dân thành thị.

Hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, trong đó có hãng Bayer của Đức, đang tìm kiếm cơ hội đáp ứng các nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao của châu Á.

Nikkei cho rằng, sự kết hợp giữa hợp tác và cạnh tranh giữa các chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư có thể sẽ là một công thức cho tính bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai./.

Theo VOV.VN/Lược dịch từ Nikkei Asia