Đổi mới sáng tạo không phải là nhiệm vụ của riêng đơn vị nào
Thực tế cho thấy, đa số các Sở, ban ngành chưa nhận diện toàn bộ và phát huy vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) luôn hiện diện trong công tác quản lý của các Sở, ban ngành. Đã có nhiều thành tựu KHCN hiện đại được áp dụng, nhiều hoạt động xúc tiến hỗ trợ trao đổi, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp ĐMST được các Sở, ban ngành bắt đầu triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số các Sở, ban ngành chưa nhận diện toàn bộ và phát huy vai trò của KHCN và ĐMST trong công tác quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách.
Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả các hoạt động KHCN và ĐMST của các Sở, ban ngành... sáng nay (17.5), Sở KH&CN TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý ngành”.
Đến tham dự, lãnh đạo, đại diện các Sở, ban ngành đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, trình bày khó khăn, vướng mắc đơn vị mình gặp phải cũng như đề xuất các ý kiến giúp cho hoạt động KHCN, ĐMST ngày càng đi vào thực tế.
Chủ trì buổi tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN chỉ ra: “KHCN không chỉ là làm ra máy móc, công nghệ cụ thể mà hiện diện trong tất cả mọi lĩnh vực, từ giúp chúng ta nắm tình hình thông tin đến tham mưu chính sách, cơ chế quản lý.
KHCN có mặt trong các Sở, ban ngành và nhất là trong xu thế hiện nay, khi chúng ta xây dựng “chính phủ kiến tạo” thì càng cần sự hiện diện của KHCN, ĐMST. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thúc đẩy doanh nghiệp phát triển những yếu tố đó, nhất là áp dụng số hóa.
Nhưng bản thân chúng ta lại ít ứng dụng CNTT. Các Sở ngành không chỉ phải ứng dụng ngay trong nội bộ cơ quan mà còn ứng dụng cho cả ngành. Ví dụ ngành Y tế, không chỉ ứng dụng trong Sở Y tế mà còn xét cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố có cần đổi mới, nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ mới hay không?".
Trình bày tại buổi tọa đàm, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng – Sở KH&CN cho rằng, KHCN, ĐMST đã được áp dụng trong nhiều hoạt động của các Sở, ban ngành và đã đạt được một số hiệu quả nhất định như ứng dụng GIS, dịch vụ công trực tuyến, kê khai thuế trực tuyến...
Tuy nhiên trong 3 năm gần nhất, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh địa phương của TP.HCM iên tục giảm từ vị trí thứ 4 xuống thứ 8. Trong đó, những chỉ số bị tụt giảm gồm chỉ số về tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, năng động của chính quyền và dịch vụ hỗ trợ DN.
Theo ông Tước, để giải quyết bài toán trên, TP.HCM cần đẩy nhanh các dịch vụ công trực tuyến để tránh nhũng nhiễu và giảm những khoản chi phí không chính thức như ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND thành phố từng nhận định. Trong đó, ĐMST phải hướng đến phục vụ cộng đồng và doanh nghiệp.
Trong báo cáo về “Hoạt động KHCN và ĐMST tại các sở ban ngành”, ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thách thức mới với không chỉ người dân, doanh nghiệp mà còn cả với chính quyền.
Những thách thức đó đặt ra cho các Sở, ban nghành yêu cầu phải áp dụng KHCN, tiến hành ĐMST trong quản lý cũng như hỗ trợ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, buổi tọa đàm còn ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện các Sở, ban ngành, đơn vị như Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và đào tạo, khu Công nghệ cao TP.HCM, khu Nông nghiệp công nghệ cao...
Ngoài chia sẻ về thực tế hoạt động KHCN, ĐMST ở đơn vị mình, phần lớn các ý kiến tập trung đề xuất phát triển một cơ sở dữ liệu về các đề tài nghiên cứu KHCN đầy đủ và dễ tra cứu, đẩy mạnh gắn kết giữa các uản vị trong hoạt động KHCN, ĐMST và thúc đẩy hoàn thiện thị trường KHCN.
Phạm Sơn - Khám phá