Chàng trai Quảng Trị vực dậy vùng biển chết bằng cây trồng chịu hạn

Tuổi còn trẻ đã lăn lộn nhiều nơi, từng sang tận Lào để kiếm sống, nhưng khi trở về nhìn cảnh làng quê xơ xác sau sự cố môi trường biển, Nguyễn Đình Hải quyết định dừng chân và mò mẫm trồng thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau, tìm sinh kế mới.

Khát vọng làm giàu của Nguyễn Đình Hải (23 tuổi, trú thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã góp phần hiến kế để ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 11 xây dựng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên vùng biển lập nghiệp...

"Không đâu bằng quê mình"

Quê hương trong Hải đầy thơ mộng, thời thiếu niên thường cùng chúng bạn sắm vài tay lưới để lao ra biển kiếm ít cá tươi ven bờ. Đầy ắp kỷ niệm về những đêm bắt còng dọc bờ biển, những chiều ngụp lặn trong làn nước biển trong xanh...

Đến khi tốt nghiệp THPT, nỗi lo cơm áo không cho Hải được thảnh thơi. Cậu sớm “sắm vai” công nhân khai thác titan ở Quảng Bình ngót 2 năm trời mà không học lên cao. Năm 2012, Hải sang Lào làm phụ hồ và lay lắt ở nước bạn gần 3 năm.

“Tất nhiên, đi làm xa thì thu nhập có cao hơn nhưng đổi lại việc tiêu pha cũng tốn kém, đụng đâu cũng tốn tiền. Phần nữa, thêm nỗi nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bạn bè luôn thường trực, nhiều khi buồn đến phát khóc”, Hải nói, đầy chiêm nghiệm, như thể cậu già gấp đôi số tuổi 23 của mình.

Tháng 6.2016, khi cậu quay về làng thì cũng vừa lúc thảm họa cá chết “quần nát” trảng cát ven biển đã hơn 1 tháng.

Phải mất mấy ngày hỏi han, cậu mới rõ được câu chuyện khủng khiếp ấy. “Dạo đó, ai cũng giục quay lại Lào làm thợ xây vì “ở quê cá mắm chết cả, có việc chi mà mần!”.

Biết vậy, nhưng tôi vẫn quyết dừng chân bởi nếu ai gặp cảnh quê hương xơ xác vì thảm họa cũng đều bỏ đi thì ngôi làng này còn gì nữa”, Hải tâm sự.

Biết mình không được học hành nhiều nên cậu đã chọn nông nghiệp làm con đường khởi nghiệp. Khi Hải toan đổ toàn bộ số tiền chắt chiu sau nhiều năm vất vả xứ người và vay mượn thêm để đầu tư tìm sinh kế mới, cha mẹ cậu đã lo lắng hỏi tới hỏi lui: “Có chắc không con?”.

Đáp lại là nụ cười và câu trả lời đậm chất trẻ: “Con đang là thanh niên, lại chưa vợ, số tiền này nếu con không đầu tư vào việc gì đó thì cũng “sứt mẻ” vì ăn nhậu.

Bố mẹ thích con đàn đúm hay muốn nhìn thấy con dấn thân làm điều gì đó có ích như một cuộc thử sức?”. Từ đó, gia đình ai cũng ủng hộ chuyện làm ăn của Hải.

Dò dẫm tìm cây chịu hạn

Nếu việc tìm một loại cây mới phù hợp với vùng cát dễ dàng thì hẳn đã có rất nhiều người làm rồi, chứ không chờ đến Hải.

Ban đầu, Hải thử sức với cây gừng, và nhận ngay một “gáo nước lạnh”. “Ươm bao nhiêu cây giống thì chết sạch bấy nhiêu. Phải đến ra tết âm lịch vừa rồi, thấy không còn cơ hội gì nữa, tôi mới ngậm ngùi dùng rựa phá ngang”, Hải nói.

Mất toi 10 triệu đồng cả giống lẫn phân, chưa kể công chăm sóc, nhưng bù lại, Hải thu lãi là... một bài học.

Rồi cậu mon men đi học trồng thanh long ruột đỏ và sớm bị hấp dẫn bởi loài cây này. Theo Hải, thanh long ruột đỏ chịu hạn cực tốt, đầu ra cũng đảm bảo, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu...

Cuối tháng 8.2016, Hải vét sạch hầu bao gần 60 triệu đồng để trồng 280 gốc thanh long ruột đỏ ngay trên mảnh vườn 8 sào của gia đình với biết bao hy vọng.

Dù không thất bại như cây gừng, nhưng một lần nữa Hải nhận ra mình chưa đủ kinh nghiệm, lại gặp thời tiết khắc nghiệt nên cây ra trái muộn hơn dự kiến.

Vấp váp, nhưng chàng trai trẻ vùng cát chưa hề có ý định dừng lại. Mặc cho nhiều người nhắc khéo "thử vừa thôi kẻo... hết vốn", trong khi chờ thanh long ruột đỏ bói trái, Hải lại nghiên cứu trồng 20.000 cây cà gai leo và 1.000 cây đinh lăng.

“Đây là 2 loại cây dược liệu ngắn ngày, chịu hạn tốt, rất hợp đất vùng này, chỉ cần 6 tháng là cho thu hoạch. Đầu ra đảm bảo vì tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị thu mua.

Tôi đặc biệt kỳ vọng vào cây cà gai leo bởi chúng sinh trưởng rất tốt, dự kiến khi thu hoạch sẽ đạt 3 tấn và giá bán đã chốt 10.000 đồng/kg cây tươi”, Hải nói.

Cuộc sống của Hải nhiều tháng qua hầu như chỉ quẩn quanh trong khu vườn và 3 loại cây đó. Bởi buổi sáng, khi nhiều thanh niên trong làng rủ nhau đi ăn sáng, cà phê tán gẫu cho đến trưa thì Hải vác cuốc ra vườn, mặt mày lúc nào cũng lấm lem bùn đất.

Đêm xuống, Hải lại ra vườn bắt sâu, tưới cây. “Bây giờ tôi làm nông, ngày nào cũng lấm bùn nên con gái nó... chê anh ạ.

Nhưng tôi không buồn đâu, chờ đến ngày thu hoạch, tôi sẽ có thu nhập và các bạn đó phải nhìn tôi bằng... con mắt khác thôi”, giọng Hải đầy tự tin pha chút hài hước.

Hỏi Hải về cái đích cuối cùng mà cậu hướng đến khi rẽ ngang làm nông nghiệp ở vùng “biển chết”, cậu đáp đầy khảng khái:

“Thực ra ở xã Vĩnh Thạch này chẳng ai trồng thanh long ruột đỏ, cà gai leo và đinh lăng như tôi. Là người trồng đầu tiên, nếu thất bại thì chỉ mình tôi chịu, còn nếu thành công thì bà con vùng biển này sẽ thấy thực tế đó mà làm theo, để tìm kế sinh nhai cho mình”.

Hỗ trợ sinh kế thanh niên

Tại Quảng Trị, Huyện đoàn Vĩnh Linh đã giúp đỡ thanh niên rất nhiều sau sự cố môi trường biển.

Hồi tháng 10 và tháng 11.2016, dù nguồn lực hạn hẹp nhưng Huyện đoàn Vĩnh Linh đã đứng ra chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn mở diễn đàn “Khởi nghiệp trong thanh niên” và buổi tư vấn “Chuyển đổi nghề nghiệp trong thanh niên miền biển”.

“Tại các sự kiện đó, chúng tôi đã lắng nghe những ý tưởng của thanh niên để rồi ngồi lại cùng các ngành chức năng, các ngân hàng thẩm định và cấp hoặc cho vay vốn để các bạn thanh niên thực hiện ý tưởng của mình.

Tất cả những nỗ lực đó nhằm làm thay đổi bộ mặt ảm đạm của vùng biển Vĩnh Linh sau sự cố môi trường”, chị Võ Thị Thu, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh, cho hay.

Theo Thanhnien