Nông nghiệp CNC Trung Quốc bài 1\ Nông trại trong nhà kính

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang xây dựng những nông trại trong các đô thị, những phòng thí nghiệm cây trồng để giải quyết vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng tại quốc gia tỷ dân này.

Tại phòng thí nghiệm Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, thành phố Bắc Kinh, các thùng chứa được xếp chồng lên nhau thành nhiều tầng. Mỗi cây nho được chiếu sáng bởi ánh đèn LED xanh đỏ như trong dịp lễ Giáng Sinh.

Nhà khoa học Yang Qichang bước đi qua khu vực sản xuất cây trồng của mình, kiểm tra mức ánh sáng đảm bảo nó tối ưu được sự quang hợp và tăng trưởng của thực vật nhưng vẫn ở mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu.

Ông Yang đã có được một thành công nhất định. Những tầng cây cao đến 3 mét với các luống cà chua, rau diếp, cần tây,… đã tạo ra một năng suất thu hoạch cao gấp 40 đến 100 lần so với một cánh đồng thông thường cùng kích cỡ.

Một lợi thế khác khi sử dụng hệ thống trồng cây theo tầng so với trồng trên cánh đồng bên ngoài, là nó hạn chế gây ô nhiễm không khí đến 5 lần so với mức mà Tổ chức Y tế Thế giới cho là an toàn.

“Với những thách thức mà nền nông nghiệp của chúng ta đang đối mặt, cũng như sự đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, nhu cầu thực phẩm an toàn sẽ tăng vọt nhanh chóng, và các nhà máy sản xuất nông nghiệp sẽ bùng nổ ở Trung Quốc trong tương lai. Đây là cách để nuôi sống các thành phố lớn,” ông Yang chia sẻ.

Mô hình về loại hình trang trại này vừa được trưng bày triển lãm ở một cửa hàng Nhật Bản và một tòa văn phòng Bắc Kinh hôm trước. Những tầng chậu trồng hạt đậu, mù tạt, cải xoăn dưới bóng đèn LED cùng ứng dụng điều khiển từ xa của hãng Alesca Life cho phép người trồng theo dõi điều kiện không khí và nước từ xa.

“Nông nghiệp đã không thay đổi trong suốt 10.000 năm qua, và giờ đã đến lúc chúng ta thay đổi nó. Tương lai của nông nghiệp sẽ là nông nghiệp phát triển cùng sự đô thị hóa ở những thành phố lớn,” đồng sáng lập dự án Stuart Oda, cựu giám đốc đầu tư của Bank of America ở Mỹ và Nhật, ông Merrill Lynch, cho biết.

Mỗi container cây trồng có thể bán ra với giá từ 45.000 đến 65.000 USD tùy theo loại thực vật và đặc tính kỹ thuật.

Shunwei Capital Partners, một quỹ ở Bắc Kinh do Lei Jun, người sáng lập tập đoàn Xiaomi, đã đầu tư vào 15 công ty mới thành lập ở các vùng nông thôn Trung Quốc, bao gồm một công ty sản xuất cảm biến để theo dõi chất lượng đất và không khí. Shunwei quản lý hơn 1,75 tỷ dollar và 2 tỷ nhân dân tệ trong 5 nguồn quỹ.

Khi đất nông nghiệp bị thu nhỏ do sự đô thị hóa tăng nhanh, những người nông dân muốn tăng cao sản lượng đã 'ngâm' cánh đồng trong phân bón và hóa chất, điều này càng khiến đất thêm suy thoái và nhiễm độc cây trồng.

Theo Ngân hàng Thế giới, nông dân Trung Quốc dùng phân bón trên một hecta cao gấp 4,5 lần so với nông dân ở Mỹ.

Jeremy Rifkin, tác giả cuốn sách "Cuộc Cách mạng công nghiệp Thứ ba", cho biết: “Có quá nhiều phân bón trong những cánh đồng ở các quốc gia, đặc biệt là ở Trung Quốc. Cây trồng không thể hấp thụ được hết lượng phân bón đó, và số còn lại sẽ ngấm vào đất, gây nên những hậu quả về sau.”

Những cánh đồng bắp ở đảo Hải Nam được người nông dân tưới phân bón và thuốc trừ sâu từ trên cao bởi những chiếc máy bay không người lái.

Cứ mỗi 10 phút, người nông dân Zhang Yourong cho chiếc máy bay 8 cánh lượn một vòng quanh cánh đồng của mình, rồi trở về vị trí cũ để nạp thêm vào thuốc và phân.

Ông Zhang không chỉ làm việc này một mình, ông còn thuê thêm bốn hoặc năm công nhân khác để cùng phun thuốc khắp đồng ruộng của mình. Nhưng theo chương trình mới của chính phủ, cánh đồng bắp của ông Zhang sẽ phải cắt giảm bớt lượng thuốc và thời gian phun.

Trong tương lai, rất nhiều cánh đồng khác nữa trên khắp Trung Quốc sẽ chuyển mình theo hướng công nghệ sạch và an toàn. Đó là tương lai của ngành nông nghiệp Trung Quốc.

Quang Niên (Theo Bloomberg)