Ứng dụng công nghệ thông minh - Phần không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp
Với những lợi ích đem lại, có thể thấy, ứng dụng công nghệ thông minh đang dần trở nên quan trọng và trở thành một phần không thể thiếu trong phát triển nông nghiệp.
Với những dự án trồng cây trong nhà, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, chúng ta có thể kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, hay cường độ chiếu sáng nhân tạo phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây, thông qua những ứng dụng đã được cài đặt sẵn, từ đó, có thể kiểm soát tốt chất lượng, cũng như sản lượng của nông sản.
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cũng giúp người nông dân khẳng định được chất lượng và thương hiệu sản phẩm của mình.
Bên trong những chiếc container thường được dùng để chở hàng là cả một nông trại nằm ngay trong lòng thành phố. Dù nhiệt độ ngoài trời có như thế nào thì các loại rau trong nông trại này cũng sinh trưởng bình thường và không có một loại sâu bệnh nào.
Đó là bởi chúng được trồng bằng phương pháp thủy canh trong môi trường được kiểm soát hoàn toàn bằng phần mềm máy tính: từ ánh sáng, nước, CO2 cho đến các chất dinh dưỡng. Sau 3 - 4 tuần, rau có thể thu hoạch và chuyển đến các siêu thị hoặc trường học xung quanh.
Với Internet kết nối vạn vật, giờ đây mọi công việc tưới tiêu và chăm sóc cây trồng đều có thể được kiểm soát chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.
Từ những cảm biến ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm…, tín hiệu sẽ được truyền về bộ điều khiển trung tâm, từ đó người sử dụng có thể đưa ra những mệnh lệnh điều khiển bằng điện thoại thông minh qua mạng Internet, giúp tiết kiệm 1/3 chi phí và rút ngắn được một nửa thời gian trồng.
Không chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ, giờ đây nông nghiệp thông minh còn được ứng dụng trên những quy mô nông trại lớn.
Đó có thể là vườn cà chua thủy canh với mật độ 4.000 - 6.000 cây/1.000 m2. Thay vì các kênh tưới nước hay các loại phân bón thông thường, các luống cà chua được lắp đặt hệ thống ống tưới và rất nhiều cảm biến được kiểm soát từ xa. Bằng cách này, cà chua hoàn toàn sạch bệnh và có thể thu hoạch được quanh năm.
Hay đơn giản chỉ là hệ thống tưới nhỏ giọt tự động được lắp đặt tại những vùng trồng rau trên dải cát trắng ven biển, không những giúp tiết kiệm nước mà còn kiểm soát được lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây.
Dán tem truy xuất nguồn gốc, quét mã vạch, cập nhật thông tin trên hệ thống máy tính và kiểm tra thông tin sản phẩm trên điện thoại di động - từ khoảng 6 tháng nay, nông dân Hợp tác xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã quen với công việc này sau mỗi vụ thu hoạch.
Nhờ ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản, người nông dân có thể khẳng định thương hiệu rau sạch của mình.
Còn đối với người tiêu dùng, họ dễ dàng kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và an tâm hơn khi sử dụng.
Theo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 10 khu nông nghiệp công nghệ cao với khoảng 200 doanh nghiệp. Các thành tựu khoa học công nghệ sẽ đóng góp 40 - 50% GDP nông nghiệp.
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang là bước đi quan trọng trong việc tái cấu trúc nền nông nghiệp.
Điều này cũng dễ hiểu khi nông nghiệp công nghệ cao giúp tăng khả năng chuyên môn hóa, sản lượng, cũng như chất lượng của sản phẩm.
Ban Thời sự - VTV