IBM dùng trí tuệ nhân tạo để xóa đói nghèo, mù chữ
Với việc sử dụng công nghệ dữ liệu, chiến lược hành động của hãng công nghệ hàng đầu thế giới IBM trong thời gian tới là tập trung sử dụng chuyên môn về khoa học và công nghệ để giải quyết một số vấn đề lớn mà loài người đang phải đối mặt như đói nghèo, mù chữ.
Phân tích dữ liệu để giải quyết các thách thức
Đầu tháng 6/2017, nhà khổng lồ về công nghệ IBM đã công bố chương trình khoa học cho một xã hội tốt đẹp hơn (SSG).
Theo đó, bộ phận nghiên cứu của IBM sẽ hợp tác với các học giả, nhà khoa học và các tổ chức phi lợi nhuận trên thế giới để giải quyết nhiều vấn đề xã hội thông qua công nghệ dữ liệu. IBM cũng công bố 12 dự án được lên kế hoạch cho năm 2017.
Mỗi một dự án thuộc SSG sẽ phù hợp với một hoặc nhiều mục tiêu trong 17 mục tiêu toàn cầu phát triển bền vững tới năm 2030 của Liên Hợp Quốc - một kế hoạch chi tiết của tổ chức này nhằm giải quyết những thách thức lớn của thế giới.
Chương trình SSG sẽ hướng đến giải quyết các vấn đề như cải thiện viện trợ khẩn cấp, chống khủng hoảng về thuốc giảm đau Opioid. Các dự án sử dụng khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để tìm ra giải pháp.
Trong số này có dự án nhằm mục tiêu vạch ra thực tiễn tốt nhất về phân phối lương thực khẩn cấp và chia sẻ kết quả nghiên cứu với các tổ chức lợi nhuận thông qua một công cụ tương tác kỹ thuật số.
IBM sẽ hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận St. John's Bread & Life để phát triển công cụ kể trên dựa trên mô hình phân phối của tổ chức phi lợi nhuận này, giúp họ phục vụ được hơn 2.500 bữa ăn mỗi ngày tại thành phố New York (Mỹ).
Một dự án khác có tên là Overcoming Illiteracy sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo với mục tiêu đem lại lợi ích cho những người trưởng thành có trình độ giáo dục thấp.
Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp giải mã các văn bản phức tạp (như mô tả sản phẩm, hướng dẫn sử dụng), trích xuất chúng thành các thông điệp cơ bản và trình bày nó cho người dùng thông qua hình ảnh và các tin nhắn thoại đơn giản.
Dự án này tuy không giải quyết được cuộc khủng hoảng văn hóa toàn cầu, nhưng sẽ cho phép những người trưởng thành có trình độ văn hóa thấp có thể tự mình đọc các văn bản phức tạp, giúp họ tự tin hơn.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Arvind Krishna - Giám đốc nghiên cứu của hãng IBM - cho biết: "Các dự án được lựa chọn cho chương trình SSG năm nay bao gồm một loạt chủ đề quan trọng, chẳng hạn như dự đoán các bệnh mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm mù chữ, xóa nạn đói và giúp đỡ nhiều người thoát đói nghèo.
Với đội ngũ chuyên gia của các đối tác của chúng tôi, với lượng dữ liệu lớn được thu thập, với các công cụ và kinh nghiệm có được, chương trình SSG có thể đưa ra nhiều giải pháp mới cho các vấn đề mà xã hội chúng ta đang phải đối mặt”.
IBM hy vọng sáng kiến này cũng sẽ giúp xây dựng Watson - siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo nổi tiếng của hãng - nhằm giúp giải quyết các thách thức về chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và môi trường.
Năm 2016 có 6 dự án thí điểm trong chương trình SSG đã được tiến hành. Nội dung các dự án này bao gồm một loạt chủ đề, chẳng hạn như chăm sóc sức khoẻ, cứu trợ nhân đạo và đổi mới toàn cầu.
Trong số này, có một dự án được đánh giá thành công đặc biệt, đó là dự án sử dụng các kỹ thuật học máy để hiểu rõ hơn quá trình lây lan của virus Zika.
Với việc sử dụng các dữ liệu phức tạp, nhóm nghiên cứu đã phát triển một mô hình tiên đoán, xác định loài linh trưởng nào nên được hướng tới nhằm mục tiêu theo dõi và quản lý virus Zika.
Kết quả có được từ dự án đang dẫn dắt các thử nghiệm mới trong lĩnh vực này để giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
Ngọc Hiển - Khoa học phát triển (Theo Mashable)