TP.HCM chính thức có Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Hôm nay 19/7, Cổng thông tin điện tử Văn phòng UBND TP.HCM cho hay UBND Thành phố đã ban hành Quy chế Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM.

Lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở KHCN Thành phố chứng kiến nghi thức ký kết Bản ghi nhớ phối hợp thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp được tổ chức hồi cuối tháng 12/2016 - Ảnh: Kim Hoàn.

Lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở KHCN Thành phố chứng kiến nghi thức ký kết Bản ghi nhớ phối hợp thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp được tổ chức hồi cuối tháng 12/2016 - Ảnh: Kim Hoàn.

Quy chế này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thành tích nổi bật, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho Thành phố; tổ chức, cá nhân có giải pháp đổi mới sáng tạo giải quyết những vấn đề của cộng đồng và mang lại hiệu quả thiết thực cho Thành phố; các tác phẩm truyền thông có nhiều tác động đến hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng; các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Thành phố.

Giải thưởng được tổ chức thường niên, mỗi năm 1 lần.

Được biết, hồi cuối năm 2016, UBND TP.HCM và Sở KHCN Thành phố đã công bố chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 (SpeedUp 2017).

Tại sự kiện công bố chương trình này, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, tính đến năm 2016, Thành phố có 295.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 15.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN. Do đó, ông Liêm mong muốn chương trình SpeedUp 2017 sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp khởi nghiệp để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 thì TP.HCM có 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Đại diện Sở KHCN TP.HCM cho biết, chương trình SpeedUp 2017 không giới hạn lĩnh vực hoạt động nhưng sẽ ưu tiên các dự án về Cơ khí - tự động hóa; Hóa - hóa dược - nhựa - cao su; Điện tử - CNTT; chế biến tinh lương thực thực phẩm hay Công nghệ sinh học. Đặc biệt hơn, các dự án khởi nghiệp đáp ứng các tiêu chí như thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học, sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao, dự án theo đơn đặt hàng của TP.HCM sẽ được ưu tiên tuyển chọn và hỗ trợ.

Trước đó, TP.HCM cũng  đã đề xuất 4 nhiệm vụ tham gia Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) và tổ chức KHCN công lập. Trong 4 nhiệm vụ này, đáng chú ý là nhiệm vụ Nâng cao năng lực ươm tạo doanh nghiệp KHCN của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (thuộc T.Ư Hội LHTN Việt Nam) đề xuất. Nhiệm vụ này nhằm hình thành cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KHCN, tập trung vào nội dung hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo.

Ngoài ra, còn có nhiệm vụ Nâng cao năng lực ươm tạo doanh nghiệp KHCN trong khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM do Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao đề xuất.

Nhiệm vụ này nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập; tạo cơ chế khuyến khích, phát triển các doanh nghiệp KHCN dựa trên đổi mới sáng tạo, ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hàm lượng tri thức cao, giá thành sản xuất thấp và tỷ suất lợi nhuận cao; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KHCN về lĩnh vực nông nghiệp có sản phẩm, có khả năng thương mại hóa cao trên địa bàn TP.HCM về hoàn thiện công nghệ, tư vấn xây dựng hồ sơ về quy trình ươm tạo công nghệ và hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN, kêu gọi vốn đầu tư.

Theo Thiên Uy (VnMedia)

Tin tứcQuân