Doanh nghiệp tư nhân giúp Hà Nội trở thành đô thị thứ 9 trên thế giới ứng dụng công nghệ đỗ xe tiên tiến

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, tài xế có thể tìm được điểm đỗ xe ô tô tại trung tâm thành phố. Thanh toán bằng cách nhắn tin SMS hoặc tài khoản ngân hàng. Mức phí chỉ 15.000 đồng/giờ theo đúng quy định của chính quyền thành phố.

Hà Nội là thành phố thứ 9 trên thế giới ứng dụng iParking

Thành phố thứ chín trên thế giới ứng dụng công nghệ iParking

Ngày 01/5/2017, thủ đô Hà Nội đã chính thức trở thành đô thị thứ chín trên thế giới ứng dụng công nghệ quản lý chỗ đỗ xe ô tô thông minh.

Theo thời gian thực, các thông tin về tình trạng trông giữ xe ở 248 điểm đỗ trên phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt (Quận Hoàn Kiếm) liên tục được cập nhật. Công nghệ iParking đã có ở Hà Nội sau ít ngày triển khai tại các thành phố châu Âu và Mỹ.

Với ứng dụng trên điện thoại thông minh, tài xế dễ dàng tìm kiếm chỗ đô ô tô tại trung tâm của một thành phố đông đúc. Mức phí 15.000 đồng cho mỗi giờ trông giữ được áp dụng theo đúng quy định của chính quyền thành phố. Việc thanh toán cũng được thực hiện bằng cách nhắn tin SMS hoặc tài khoản ngân hàng.

Nhiều con số biết nói đã được công bố chỉ sau một tháng Hà Nội ứng dụng iParking. 592.965.000 đồng được thu về, tăng 270% so với trước khi có iParking.

Trong đó, giao dịch thanh toán qua điện thoại thông minh chiếm 92%, 8% số giao dịch còn lại qua thẻ ngân hàng. Tình trạng "lạm thu" hay "chặt chém" phí gửi xe đã chấm dứt. Sự minh bạch được bảo đảm do mọi giao dịch đều không sử dụng tiền mặt.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành công từ việc thí điểm đã thúc đẩy nhanh việc ứng dụng rộng rãi iParking trên địa bàn. Dự kiến, việc ứng dụng sẽ được triển đồng thời tại 4 quận nội thành Hà Nội, gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình.

Phát triển kinh tế số là con đường bắt buộc

Thực tế, ứng dụng iParking chỉ là một phần trong quá trình xây dựng nền kinh tế số mà chính quyền thành phố Hà Nội đang theo đuổi.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc xây dựng kinh tế số sẽ mang đến 3 lợi ích cho thủ đô: giảm được chi phí quản lý cho bộ máy chính quyền, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền thành phố; tạo nền tảng cốt yếu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội đã phải đưa ra những quyết định khó khăn khi chấp nhận để xây dựng kinh tế số. 170 chương trình phần mềm, các sever riêng lẻ của các quận huyện và các sở ngành, các doanh nghiệp công ích đã thực hiện giai đoạn 2010-2015 phải vứt bỏ.

UBND Hà Nội đã bỏ 170 chương trình phần mềm, các server riêng lẻ... để có thể làm một mạng Wan thống nhất. Ảnh: Thành Đạt

UBND Hà Nội đã bỏ 170 chương trình phần mềm, các server riêng lẻ... để có thể làm một mạng Wan thống nhất. Ảnh: Thành Đạt

Cơ chế thuê dịch vụ được áp dụng, thay thế cho cơ chế đầu tư từ ngân sách để hình thành nên một mạng WAN dùng chung chỉ sau 1 năm. Cơ sở dữ liệu của 7,5 triệu dân cư với 32 thông số, 230.000 doanh nghiệp 300.000 hộ kinh doanh cá thể đã được xây dựng sau khi có mạng kết nối thông tin xuống đến 584 phường xã, ở 30 quận huyện của thành phố.

“Chúng tôi xác định xây dựng và phát triển kinh tế số là con đường đi bắt buộc của tất cả các đô thị lớn trên thế giới nói chung, các đô thị của Việt Nam nói riêng, và đặc biệt là thủ đô Hà Nội.” – ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Trên cơ sở ấy, việc cung ứng dịch vụ công đến người dân và doanh nghiệp đã có sự thay đổi. 98% thủ tục thông quan và 70% đăng ký kinh doanh được thực hiện trên môi trường mạng.

Mạng internet cũng là phương án được 100% doanh nghiệp lựa chọn để thực hiện kê khai thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ được cung cấp nhiều dữ liệu về kinh tế xã hội để thực hiện việc phát triển.

Trong quá trình xây dựng kinh tế số ở thủ đô, doanh nghiệp vừa là đối tượng hưởng lợi, vừa là thành phần kiến tạo. Bởi vì, chính doanh nghiệp tư nhân đã cung cấp sever, đường truyền cho thành phố. Các phần mềm được áp dụng cho các sở ngành cũng do doanh nghiệp tư nhân lập trình.

Trong khi đó, công nghệ iParking được triển khai trên địa bàn thành phố hoàn toàn bởi một nhóm thanh niên Việt Nam từng du học ở nước ngoài. “Thành phố Hà Nội đã yêu cầu và họ viết nên phầm mềm này” – Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Vương Diệu Quân - TTVN