Quận huyện “đặt hàng” công nghệ giúp doanh nghiệp

Các quận, huyện phải nắm rõ địa bàn mình có những ngành nghề đặc thù nào, có bao nhiêu doanh nghiệp (DN), năng suất, chất lượng lao động hiện nay ra sao… 

Từ đó đề xuất để Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tăng giá trị sản phẩm.

Đó là gợi mở được Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng nêu ra tại hội thảo “Tăng cường hỗ trợ DN trên địa bàn quận, huyện ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng”.

Hiệu quả nhờ cách làm mới

Mang đến giới thiệu tại hội thảo một mô hình điển hình cho việc lãnh đạo địa phương mạnh dạn đổi mới sáng tạo (ĐMST) để hỗ trợ DN, bà Lê Thị Loan, Trưởng phòng Kinh tế quận 5, khẳng định phố chuyên doanh trên địa bàn quận đã mang lại những tín hiệu khả quan.

Theo bà Loan, quận 5 có đông cộng đồng người Hoa sinh sống với thế mạnh về thương mại - dịch vụ, sớm hình thành ở đây các tuyến phố chuyên doanh vàng, bạc, đá trang sức, đông y, thời trang…

Sau khi đánh giá các ưu thế và đặc điểm của địa phương, lãnh đạo quận đã đề ra các chương trình ĐMST phát triển các phố chuyên doanh, đồng thời từng bước xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Kết quả, quận đã ra mắt 2 phố chuyên doanh là Phố Đông y (tháng 12-2016; hiện có 141 cơ sở khám chữa bệnh bằng thuốc đông y, kinh doanh dược liệu, chẩn trị y học cổ truyền) và Phố Vàng, bạc, đá trang sức (tháng 4-2017; hiện có 67 đơn vị kinh doanh). 

Bên cạnh việc hỗ trợ các hộ kinh doanh xây dựng cơ sở, cửa hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, quận đã cùng doanh nghiệp đăng ký sở hữu trí tuệ đối với logo của 2 phố này; đồng thời kết nối cung cấp các dịch vụ, phần mềm quản lý, máy bán hàng để giúp DN hoạt động tốt hơn.

“Sau khi các phố chuyên doanh được hình thành, qua thống kê sơ bộ, doanh thu các cửa hàng tăng khoảng 20% - 50%”, bà Lê Thị Loan khẳng định.

Theo Sở KH-CN, ngoài mô hình của quận 5, thời gian qua nhiều địa phương tại TPHCM đã chủ động nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh tế đặc thù để tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển; nhiều mô hình sáng tạo đã hình thành.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017, sở đã khảo sát, kết nối, xác định các nhu cầu ứng dụng KH-CN cho DN, tổ chức kinh tế tập thể… trên địa bàn các quận, huyện.

Qua đó, nhiều quận, huyện đã đề xuất những đề tài mang tính đặc thù của địa phương, như Xử lý khói trong sản xuất tàu hủ tại quận Tân Phú; Nuôi cua thương phẩm trên ruộng muối huyện Cần Giờ; Hệ thống rửa củ nghệ tươi cho các hộ dân huyện Củ Chi; Ứng dụng công nghệ sấy thủy sản tại huyện Cần Giờ… 

Nhiều chương trình chờ… doanh nghiệp

Bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, Phó phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH-CN TPHCM), cho biết hiện sở có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ DN, như đào tạo đội ngũ chuyên gia về quản trị năng suất, chất lượng; tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sản phẩm mới, đổi mới công nghệ; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Cụ thể, thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN về nông nghiệp, sở đã tiếp nhận 19 yêu cầu hỗ trợ của DN, hợp tác xã và nông dân.

Qua đó, sở đã lựa chọn được 7 dự án để triển khai. Điển hình như dự án Xây dựng mô hình công nghệ nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực theo hướng VietGAP tại quận 9; dự án Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giống và sản xuất tại hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong tại huyện Củ Chi; dự án Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt tại huyện Nhà Bè…

Đặc biệt, cũng thông qua chương trình trên, Sở KH-CN sẽ hỗ trợ tối đa 70% kinh phí (tối đa 300 triệu đồng) cho mỗi dự án, gồm tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo…

Theo đó, các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, DN, nhóm khởi nghiệp có dự án triển khai ứng dụng KH-CN và ĐMST trong nông nghiệp tại 5 huyện (Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè và Hóc Môn) và 5 quận (9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp) sẽ được hỗ trợ tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Các hồ sơ sẽ được tổ chức thẩm định và xét duyệt mỗi quý.

 Tại hội thảo, các quận, huyện nêu nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, Sở KH-CN cần tập trung hỗ trợ các đơn vị, DN thực hiện một số mô hình như đào tạo đội ngũ chuyên gia trong DN về công cụ quản trị năng suất, chất lượng; hỗ trợ đối tượng DN nhỏ và vừa được tiếp cận vay các nguồn vốn của Nhà nước; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động ĐMST… 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, DN là lực lượng nòng cốt, chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, vì vậy các quận, huyện cần tìm hiểu, nắm rõ nhu cầu về công nghệ của DN.

Trong quá trình tìm hiểu thực tế, những vấn đề gì cần cải tiến, đổi mới, các quận, huyện có thể đề xuất Sở KH-CN xem xét, hỗ trợ để triển khai.

Bên cạnh đó, cần phát động các cuộc thi sáng kiến cộng đồng, ĐMST cho giáo viên và học sinh trên địa bàn quận huyện - đây là những đối tượng có khả năng lan tỏa được tri thức, công nghệ và nâng cao được ý thức ĐMST trong cộng đồng

Gia Quảng - SGGP