Nỗi lo trí tuệ nhân tạo
AI đã dần len lỏi vào cuộc sống con người. Ban đầu chỉ ở dạng thấp là giải quyết một vấn đề đưa ra. Dạng sơ khởi này cho phép máy tính độc lập hơn và có khả năng tự học.
Công ty Facebook vừa qua đã phải đóng các trợ lý ảo (chatbot - một kiểu phần mềm trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), được lập trình để hoạt động độc lập, có thể tự động trả lời những câu hỏi hoặc xử lý tình huống càng thật càng tốt) sau khi bất ngờ phát hiện chúng giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng không hề tồn tại và không ai hiểu được.
AI và lợi ích
Theo giải thích của nhiều chuyên gia, AI thật ra là toàn bộ các thuật toán, bao gồm một chuỗi các phép tính cho phép thực hiện một vấn đề được đặt ra. Ý tưởng xây dựng một chương trình AI đã xuất hiện từ năm 1956 tại Hanover, Mỹ.
Theo quan điểm của các nhà sáng lập bộ môn này, John McCarthy (1927-2011) và Marvin Minsky (1927-2016), máy móc có thể bắt chước hay mô phỏng một mặt nào đó của con người và đến lúc nào đó có thể bằng cả trí tuệ nhân loại.
Trong suốt những năm 1960, các nhà sáng chế theo đuổi điều này một cách tuyệt vọng do tiến bộ tin học thời bấy giờ vẫn chưa đạt đến mức có thể thực hiện.
Mọi việc bắt đầu có những tiến triển từ năm 1985, với sự phát triển của ngành robot học và Nhật Bản là quốc gia đi đầu.
Tuy nhiên, làn sóng phấn khích đã không kéo dài. Robot thời đó chỉ phục vụ cho công nghiệp và chưa có chỗ đứng trong gia đình.
Niềm hy vọng về trí tuệ nhân tạo thật sự hồi sinh sau trận đấu lịch sử giữa kiện tướng cờ vua Garry Kasparov với máy tính DeepBlue của IBM năm 1997.
Từ đó, AI đã dần len lỏi vào cuộc sống con người. Ban đầu chỉ ở dạng thấp là giải quyết một vấn đề đưa ra. Dạng sơ khởi này cho phép máy tính độc lập hơn và có khả năng tự học.
Đây cũng chính là dạng trí thông minh nhân tạo được sử dụng hàng ngày: công cụ tìm kiếm của Google hay đối thoại với các nhân viên tư vấn ảo của các trang mạng Amazon, Netflix, YouTube…
Dạng thông minh đơn giản đó cũng được thiết kế cho một số loại robot sử dụng trong các bệnh viện, các phần mềm dịch thuật hay một số trò chơi.
Thế nhưng, theo ông Raja Chatila, Giám đốc Viện Nghiên cứu hệ thống trí thông minh và robot học (ISIR) thuộc Trường Đại học Pierre and Marie Curie của Pháp, từ một thập niên nay, AI đã đạt được bước tiến mới nhờ vào phần mềm “deep learning”.
Theo đó, “deep learning” được thiết kế sao cho máy móc có thể bắt chước cách thức vận hành của não bộ con người.
Cả hệ thống này trú trong ổ chứa đặt biệt có đến hàng ngàn con chip điện tử (tương đương nơron thần kinh), được sắp xếp thành nhiều lớp khác nhau. Các nơron này sẽ tự nuôi lẫn nhau để rồi từ đó xuất phát thuật ngữ “học tăng cường” (reinforcement learning).
Đây cũng chính là nét độc đáo làm nên thành công của AlphaGo so với DeepBlue. Năm 2016, máy tính thông minh AlphaGo đã hạ gục kỳ thủ cờ vây Lee Sedol người Hàn Quốc với tỷ số chung cuộc 4-1, trong một trận so trí gồm 5 ván đấu như quy định.
Trận so tài đã được công luận và nhất là giới chuyên môn theo dõi sát sao, bởi vì phải đợi đến 19 năm sau ngày kiện tướng thế giới cờ vua Garry Kasparov bị máy tính DeepBlue của IBM đánh bại trong một trận đấu 6 ván, thế giới mới lại được tận mắt chứng kiến tiến bộ mới của lĩnh vực trí thông minh nhân tạo trong ngành công nghệ tin học.
Giờ đây, ứng dụng AI hầu như hiện diện khắp nơi. Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này sẽ làm biến đổi sâu sắc cuộc sống nhân loại. Điện thoại thông minh là một ví dụ.
Người dùng có thể hỏi trợ lý ảo cài trên điện thoại rằng, muốn đi chơi tennis nhưng cũng muốn mua một chai rượu vang hợp với món bò rô ti. Và thế là một trình hỗ trợ âm thanh sẽ chỉ cho bạn một lộ trình đi ngang qua tiệm bán rượu, đồng thời tư vấn cho bạn một loại rượu phù hợp.
Trong y học, AI có thể còn là một cuộc cách mạng. Chúng có khả năng xem xét các dữ liệu của một bệnh nhân từ tuổi tác, tiền sử, các bản chụp phim đến đối chiếu chúng với các nghiên cứu được công bố và cuối cùng sẽ đưa ra một chẩn đoán mà đôi khi ngay chính bác sĩ cũng chưa nghĩ tới.
Máy tính có thể tự học, chúng có thể tự đặt ra câu hỏi rồi tự tìm ra đáp án. Lấy xe hơi tự lái của Google làm ví dụ, chiếc xe này của Google có thể tự chạy mà không cần người điều khiển.
AI của xe phải nhận biết mọi nguy hiểm trên đường, khoảng cách đi lại của người qua đường, để rồi sau đó thích ứng với thực tế ở mọi tình huống mới. Thêm một ví dụ nữa về sự kỳ diệu của AI.
Google đã phát triển một AI có khả năng nhận dạng hình ảnh, lục tìm trên mạng tất cả hình ảnh có sẵn. AI này đã nhận biết hình ảnh của một quả chanh, một quả bưởi bị cắt làm đôi và một ly cam vắt. Hơn nữa, AI của Google còn có khả năng đưa ra được ý nghĩa của cảnh được nhìn thấy.
Lo ngại
Trở lại với hệ thống 2 trợ lý ảo có tên Bob và Alice của Facebook. Chúng được tạo ra để giao tiếp với con người nhưng dần dần các trợ lý ảo này đã bắt đầu giao tiếp với nhau.
Ban đầu chúng sử dụng tiếng Anh. Rồi các chuyên gia của Facebook phát hiện ra, chúng trao đổi bằng ngôn ngữ do bản thân tạo ra trong quá trình phát triển phần mềm.
Theo giải thích của ấn phẩm Digital Journal, AI dựa trên nguyên tắc phát huy, tức là tiếp tục hành động với điều kiện điều đó sẽ mang lại cho chúng lợi ích nhất định.
Có thời điểm nào đó, chúng đã không nhận được từ nhà khai thác tín hiệu khích lệ việc sử dụng tiếng Anh và chúng quyết định tạo ra ngôn ngữ riêng.
Tech Times lưu ý rằng, ngay từ đầu các trợ lý ảo đã không bị hạn chế lựa chọn ngôn ngữ, do đó dần dần chúng tạo ra ngôn ngữ riêng để có thể giao tiếp dễ dàng hơn và nhanh hơn tiếng Anh.
Các chuyên gia lo ngại, nếu các trợ lý ảo tiếp tục giao tiếp bằng ngôn ngữ riêng, chúng sẽ dần trở nên độc lập hơn và có khả năng hoạt động ngoài sự kiểm soát của chuyên gia công nghệ thông tin.
Cuối tháng 7 vừa qua, người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và Elon Musk, người sáng lập Công ty SpaceX, Tesla và PayPal đã có cuộc tranh luận về trí tuệ nhân tạo.
Trong khi Zuckerberg cho rằng, AI nâng cao chất lượng cuộc sống, Musk kêu gọi nhà chức trách Mỹ thắt chặt quy định liên quan đến AI, cảnh báo trí tuệ nhân tạo là mối đe dọa của nhân loại.
Theo Musk, nếu không kịp thời can thiệp vào quá trình phát triển các hệ thống này thì tương lai có thể sẽ quá muộn. Nhà khoa học người Anh Stephen Hawking cũng từng đề cập đến mối đe dọa tiềm tàng của AI.
Viễn cảnh còn xa
Yann LeCun, một trong những người sáng tạo ra lập trình “deep learning”, cho rằng viễn cảnh một ngày nào đó máy tính sẽ sở hữu một AI mạnh và có thể điều khiển con người hãy còn xa.
Cho đến năm 2050 thì việc nhờ một AI mà máy tính có khả năng thể hiện những hành vi thông minh, chứng tỏ một sự nhận thức về bản thân, biểu lộ tình cảm và có một sự hiểu biết về lý trí, vẫn là điều chưa thể, bởi chúng còn thiếu khả năng học mà không cần sự giám sát.
Có thể trong tương lai, sẽ có những thứ máy móc mà AI của chúng có thể vượt qua con người trong mọi lĩnh vực, nhưng hiện tại chỉ có những loại máy có AI hơn con người trong một số lĩnh vực đặc thù.
Chẳng hạn, chúng có thể đến tiệm mua một món đồ chơi, có thể hạ gục con người trong một ván cờ vua, cờ vây, hoặc sắp tới sẽ có cả xe tự lái, điều khiển xe còn tốt hơn cả con người, nhưng đó chỉ là trí thông minh chuyên biệt, chưa thông minh tổng quát như của con người.
Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra, để có thể tạo ra những AI cao, các nhà lập trình cần phải sử dụng một lượng dữ liệu khổng lồ (big data), liên quan đến các thông tin cá nhân, kể cả cho các dạng trí tuệ thông minh thấp như hiện nay; chẳng phải cũng đã đến lúc cần suy nghĩ nghiêm túc về việc bảo vệ các dữ liệu cá nhân và cần có các biện pháp bảo đảm?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta dạy cho máy móc học cách đánh lừa, thống trị, vượt qua cả con người? Thế giới sẽ ra sao khi ta dạy máy học cách giấu giếm các ý định, triển khai các chiến lược hung hăng và cách điều khiển như một trận cờ vây?
Đỗ Cao - SGGP