TP.HCM muốn trung ương hỗ trợ điều chỉnh chính sách để xây thành phố thông minh

Cho rằng cần có sự đồng bộ xuyên suốt về dữ liệu, TP.HCM mong muốn hỗ trợ từ trung ương trong việc điều chỉnh một số chính sách và tiêu chuẩn.

Trong hội thảo “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh” được tổ chức chiều nay 19/9, ông Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM - cho biết đây là giai đoạn chín muồi để xây dựng TP.HCM. Đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh đang dần hoàn thiện và chuẩn bị được trình HĐND TP phê duyệt.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM - Ảnh: H.Đ

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM - Ảnh: H.Đ

Nói về những khó khăn khi xây dựng thành phố thông minh, yếu tố đầu tiên được Phó giám đốc sở TT&TT nêu ra chính là việc TP.HCM đi đầu trong cả nước về xây dựng đô thị thông minh, do đó sẽ vướng các chính sách.

Để xây dựng thành phố thông minh cần có một cơ sở dữ liệu dùng chung, nhưng nếu không được hỗ trợ từ cấp quốc gia về cơ sở dữ liệu dân cư đầy đủ chẳng hạn, thì việc tập trung dữ liệu sẽ khó khăn. Hoặc khi cần lấy thông tin vị trí của các thuê bao di động để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn chẳng hạn nhưng các doanh nghiệp viễn thông không chia sẻ thì việc này sẽ gặp khó khăn.

Vì vậy, nếu TP.HCM không được hỗ trợ chính sách đi trước, xuyên suốt từ địa phương đến trung ương thì xây dựng thành phố thông minh sẽ gặp khó khăn. Ông Cường cho rằng cần có sự hỗ trợ từ trung ương trong việc điều chỉnh các quyết định pháp luật và chính sách cũng như các vấn đề về tiêu chuẩn của các công nghệ khác nhau trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Khó khăn thứ hai là tài chính. Trong bối cảnh nợ công tăng cao, thiếu hụt ngân sách cho cơ sở hạ tầng thì việc huy động nguồn vốn cho đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia của không chỉ nguồn ngân sách nhà nước mà cần có các giải pháp xã hội hóa, ông Cường trình bày.

Thêm vào đó, vấn đề đồng thuận của các bên, đặc biệt người dân và các doanh nghiệp cần xuyên suốt thì mới bảo đảm xây dựng thành phố thông minh được thành công. Trong việc xây dựng đô thị thông minh, chính quyền, người dân, doanh nghiệp đều có góc nhìn khác nhau, do đó cần tạo sự đồng thuận tham gia của các bên trong quá trình này.

Ngoài ra, công nghệ thay đổi rất nhanh, do đó khi áp dụng nền tảng nào vào hạ tầng thành phố thì cần chọn phương án phù hợp với xu hướng phát triển của tương lai, có thể nâng cấp.

“Cuối cùng là vấn đề nguồn lực con người. Chúng ta không chỉ tiếp nhận công nghệ mà phải có con người vận hành và ứng dụng các công nghệ này”, đại diện Sở TT&TT TP.HCM kết luận.

Trong sự kiện được tổ chức khá quy mô tại TP.HCM với sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh thành khu vực phía Nam, ông Cường cho biết trọng tâm phát triển đô thị thông minh của thành phố lớn nhất nước chính là kinh tế.

“Mỗi thành phố xây dựng đô thị thông minh tùy theo nhu cầu của mình. Có thành phố tập trung giải quyết vấn đề giao thông, có thành phố tập trung năng lượng xanh. Riêng TP.HCM thì yếu tố kinh tế là chủ đạo”, ông Cường nói.

“Do đó tầm nhìn xây dựng đô thị thông minh của TP.HCM là phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững trên nền tảng khai thác tốt nhất nguồn lực với người dân làm tung tâm.   Điều này phù họp với các Nghị quyết của Đại hội đảng lần thứ X là xây dựng TP.HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, Phó giám đốc Sở TT&TT nói tiếp.

Để làm được điều đó, TP đặt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hướng tới kinh tế trí thức, nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc, quản trị đô thị một cách hiệu quả trên cơ sở dự báo, tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.

Ông Cường cho rằng TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức, cũng là thách thức chung của các đô thị lớn. Thành phố là trung tâm kinh tế cả nước, chiếm số dân 9,1% nhưng tạo ra GDP khoảng 21% cả nước.

Mật độ dân số cao, dân số tăng rất nhanh không phải tự nhiên mà do di dân, gây áp lực lên hạ tầng. Các vấn đề như ngập nước, y tế, giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng phục vụ người dân chưa đạt như mong muốn… tạo một áp lực để thành phố cần xây dựng một nền đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, mặc dù TP.HCM là nền kinh tế đầu tàu, phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, ông Cường nói. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố có xu hướng dậm chân ở mức thấp; tỷ trọng đóng góp chung vào nhà nước giảm dần, trước đây đóng góp trên 30% giờ 21%, tỷ trọng xuất khẩu cũng giảm.

Với những thách thức, khó khăn kể trên, xây dựng thành phố thông minh là giải pháp tốt để giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Các đối tượng ảnh hưởng trực tiếp trong xây dựng thành phố thông minh gồm chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Ông Cường cho biết cần tập trung xây dựng chính quyền điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu để gia tăng hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng dữ liệu dùng chung, áp dụng dự báo kinh tế phục vụ quy hoạch thành phố, triển khai hành chính công.

Trong đó, tạo kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, các tiện ích thông minh để phục vụ đời sống; chẳng hạn người dân có thể dùng smartphone để biết đi đường nào ngắn nhất, không kẹt xe.

Các cải tiến về giáo dục, y tế cũng tương tự… Về phía doanh nghiệp, thành phố sẽ kiến tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh, thu hút đầu tư, khi có dữ liệu dùng chung thì chia sẻ cho doanh nghiệp để thuận tiện trong kinh doanh, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, vị lãnh đạo Sở TT&TT TP cho biết TP có những thuận lợi nhất định. TP.HCM là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp CNTT có thể chung tay xây dựng thành phố thông minh.

Tại đây cũng tập trung nguồn nhân lực công nghệ cao, tập trung nhiều trường đại học có thể cung cấp nhân sự giỏi. Thành phố cũng là một trong những nơi đột phá trong việc tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư. Thêm vào đó, việc xây dựng thành phố thông minh có sự đồng lòng từ chính quyền đến doanh nghiệp.

Hải Đăng - ICTNews