Việt Nam thiếu tiêu chí của thành phố công nghệ
Mức độ thuận tiện trong di chuyển là một trong những yếu tố quan trọng của một thành phố công nghệ. Nhưng theo đánh giá, thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn còn thiếu về nội dung này.
Kinh nghiệm từ Singapore
Trong 3 năm liền từ 2017 đến 2019, Singapore luôn nằm trong top 5 TP đứng đầu thế giới về mức độ tiện nghi, hiện đại trong quá trình xây dựng TP thông minh - TP công nghệ.
Cụ thể, năm 2017, công ty nghiên cứu thị trường Juniper Research đã bình chọn ra Top 20 đô thị thông minh trên toàn thế giới, mà trong đó, Singapore là đô thị dẫn đầu, vượt qua cả London và New York. Đây là bảng xếp hạng dựa trên kết đánh giá các đô thị trong 4 lĩnh vực, gồm giao thông, chăm sóc sức khoẻ, an ninh công cộng và năng suất lao động của công dân.
Vào năm 2018, trong một bảng xếp hạng khác, đánh giá 100 đô thị thông minh trên thế giới dựa theo các tiêu chí như giao thông, phát triển bền vững, quản lý nhà nước, quá trình số hóa, tiêu chuẩn sống, kinh tế sáng tạo... được công ty phát triển đô thị thông minh Easy Park Group thực hiện, Singapore là TP được xếp ở vị trí thứ 2.
Năm 2019, trong bảng xếp hạng 30 TP công nghệ đứng đầu thế giới do Công ty Savills thực hiện, Singapore đứng thứ 5. Như vậy tuy được các tiêu chí khác nhau và được đánh giá bởi những tổ chức khác nhau nhưng Singapore luôn nằm trong top những thành phố hàng đầu thế giới.
Những thành công của Singapore đó là xây dựng và phát triển các dự án công nghệ mang tầm quốc gia, tiêu biểu nhất đó là cổng thông tin dự án quốc gia - Smart Nation.
Trang Smart Nation Singapore với những thông tin chi tiết về các dự án và được tương tác trực tiếp giữa Chính phủ - Nhà đầu tư - Người dân từ việc định hướng quy hoạch, triển khai thực hiện và vận hành... đều được công khai và lấy ý kiến từ cộng đồng.
Chính phủ nước này đã xây dựng một Smart Nation, gồm: Hệ thống nhận diện điện tử cấp quốc gia; Cổng thanh toán điện tử; Hệ thống cảm biến thông minh trên cả nước; Nền tảng giao thông đô thị thông minh và Moments of Life (ứng dụng di động giúp chính phủ chuyển các dịch vụ phù hợp đến công dân một cách kịp thời).
Theo KS Nguyễn Văn Thanh - Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, để so sánh với Singapore thì là sự chênh lệch rất lớn, nhưng những kinh nghiệm từ quốc gia này sẽ giúp cho các TP của Việt Nam có một bước tiến vững chắc. Singapore mới vận hành hệ thống Smart Nation từ năm 2014, khi hệ thống hạ tầng đã được quy hoạch hiện đại, đồng bộ.
“Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 của Việt Nam đã bàn và phần lớn các đại biểu đều thông qua nội dung xây dựng cổng thông tin quy hoạch quốc gia. Đây sẽ là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình xây dựng, phát triển các TP thông minh - TP công nghệ” - KS Nguyễn Văn Thanh nói.
Việt Nam có nhiều tiềm năng
TP Công nghệ được định nghĩa là một trung tâm công nghệ quan trọng trong khu vực bởi sự phát triển của những doanh nghiệp công nghệ toàn cầu, được nhận một dòng vốn đầu tư mạo hiểm lớn; là một trong những địa điểm mà các công ty công nghệ toàn cầu có kế hoạch mở rộng tới trong tương lai; một thành phố sôi động để sống và làm việc; là nơi đào tạo và thu hút cho nhân tài.
Trong bảng xếp hạng 30 TP công nghệ hàng đầu thế giới năm 2019 do Savills bình chọn, Việt Nam không có TP nào nằm tong Top này. Những yếu tố làm nên thành công của TP Công nghệ dựa trên 100 tiêu chí riêng biệt, theo sáu danh mục chính: Môi trường kinh doanh; Môi trường công nghệ; Mức độ sôi động và lành mạnh của thành phố; Nguồn nhân lực; Chi phí bất động sản và Mức độ thuận tiện trong di chuyển.
Phó Giám đốc Savills Hà Nội Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, hiện Việt Nam còn đang thiếu 2 trong số 3 tiêu chí đánh giá mức độ thuận tiện trong di chuyển: dịch vụ giao thông chia sẻ & hệ thống tàu điện. Trong khi đó, xét trên tiêu chí cuối cùng – cơ sở hạ tầng đô thị, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điểm cần phải thể cải thiện.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể học hỏi các thành phố hàng đầu về công nghệ này để cải thiện mức độ thuận tiện trong di chuyển, cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, tăng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng và giảm ô nhiễm không khí.
“Nếu làm được điều này, kết hợp với những lợi thế sẵn có của Việt Nam như nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, chi phí BĐS tương đối thấp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn, thì mức độ cạnh tranh của các thành phố Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ sẽ sớm tăng lên” - bà Hằng cho hay.
Theo Mai Vân - Kinh tế đô thị