Nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm của VN gây xôn xao y khoa thế giới

Ngày 11/1/2018, tạp chí Y khoa nổi tiếng nhất thế giới New England Journal of Medicine (NEJM) đăng kết quả nghiên cứu của nhóm bác sĩ VN làm giới y khoa cả thế giới xôn xao.

Hàng loạt tờ báo lớn nhất thế giới như Reuters, Sydney Morning Herald, Tân Hoa Xã… đã đồng loạt đăng tải. Với kết quả của nghiên cứu này, phụ nữ vô sinh sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc thụ tinh ống nghiệm.

Đây là bài báo đầu tiên của ngành Sản phụ khoa VN trên NEJM, nghiên cứu hoàn toàn thực hiện tại VN. TS- BS Vương Thị Ngọc Lan (bộ môn Phụ sản Trường  ĐH Y Dược TP.HCM) là tác giả chính và là người chủ trì dự án nghiên cứu.

NEJM là tạp chí được giới nghiên cứu lĩnh vực y khoa gọi là “thánh đường” bởi rất khó để đăng bài báo khoa học. Mỗi tuần, có hàng nghìn bài báo trên khắp thế giới gửi về NEJM nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó được xuất bản. Có bài báo trên NEJM là mong ước lớn nhất của tất cả những nhà nghiên cứu y khoa trên thế giới.

Nhóm bác sĩ đã nghiên cứu ngẫu nhiên trên 782 phụ nữ vô sinh không do buồng trứng đa nang đang thụ tinh ống nghiệm (TTON). Kết quả cho thấy, việc chuyển phôi đông lạnh mang lại kết quả thành công tương đương như chuyển phôi tươi khi TTON.

Nghiên cứu này được coi là “khá chấn động” vì có thể thay đổi cách thụ tinh nhân tạo, không cấy một lần nhiều phôi như trước đây. Cũng vì thế mà cơ hội có thai gia tăng mà nguy cơ đa thai được giảm tối đa.

TS.BS Vương Thị Ngọc Lan nói với Thanh Niên, hiện nay trên thế giới có hai cách TTON. Đó là chuyển phôi tươi trực tiếp vào tử cung hoặc lấy trứng ra, đông lạnh phôi, sau đó mới chuyển vào tử cung. Các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam thường ưu tiên chuyển phôi tươi. Số phôi còn dư sẽ được đông lạnh và đề dành để chuyển phôi các lần sau, tạo thêm cơ hội cho người bệnh.

“Phát hiện quan trọng nhất từ nghiên cứu này là việc đông lạnh phôi để thực hiện TTON không gây ảnh hưởng đến cơ hội thực hiện ước mơ của các cặp vợ chồng mong con. Sau chu kỳ chuyển phôi tươi đầu tiên, bệnh nhân có thể đông lạnh tất cả phôi còn lại và thực hiện chuyển phôi sau đó một cách an toàn và hiệu quả”, BS Lan nói.

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường (Bệnh viện Mỹ Đức, thành viên nhóm nghiên cứu), dự án nghiên cứu này trải qua khoảng bốn năm: gần hai năm để thu thập số liệu, 11 tháng để phân tích số liệu và viết bài và 10 tháng từ lúc gởi bài cho đến khi được đăng trên NEJM.

GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc,  người giúp đỡ nhóm một số việc trong giai đoạn cuối, vui mừng: “Đây là thành tựu đáng tự hào và cũng là một minh chứng rằng VN có thể làm những nghiên cứu chất lượng rất cao”. 

Lam Yên - Đăng Nguyên (Báo Thanh niên)