"Điểm danh" năm xu hướng công nghệ định hình cho năm 2017

Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của lĩnh vực công nghệ cao tiếp tục khiến người tiêu dùng bất ngờ, đồng thời mang đến cho họ một loạt các sản phẩm tiện ích mới để cân nhắc.

Blockchain1.jpg

Đối với các nhà sản xuất và giới chuyên gia, những tiến bộ công nghệ tạo ra càng nhiều cơ hội hơn, gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả về chi phí và thúc đẩy nhận thức thương hiệu mạnh hơn.

Một điều không thể phủ nhận rằng năm 2017 là một năm ngoạn mục của công nghệ. Hãy dành một chút thời gian để cùng điểm lại một số xu hướng công nghệ nổi bật đã định hình cho năm 2017.

Machine Learning

Machine Learning (chỉ khả năng tự học hỏi, nhận thức của máy móc) đã đạt được tiến bộ lớn trong năm 2017 trên nhiều phương diện khác nhau.

Hồi tháng 3/2016, việc phần mềm đánh cờ vây AlphaGo do Google DeepMind phát triển, đánh bại kỳ thủ từng 18 lần vô địch thế giới Lee Sedol, đã trở thành sự kiện đánh dấu một bước tiến lớn cho lĩnh vực Machine Learning nói riêng và ngành nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung.

Sang năm 2017, nhóm nghiên cứu của Google Deepmind đã phát triển một phiên bản có thuật toán còn tốt hơn - AlphaGo Zero. Nếu như các AlphaGo đời đầu “học” cách chơi cờ vây thông qua những dữ liệu về các trận cờ do con người thiết kế, AlphaGo Zero đã trực tiếp bỏ qua bước này và “học” thông qua việc tự chơi một mình trong khoảng thời gian chỉ vài tuần.

Giờ đây, trên lý thuyết, Alpha Go Zero có thể đánh bại tất cả những kỳ thủ hàng đầu thế giới và mọi phiên bản khác của AlphaGo. Với sự kiện này cùng với việc Machine Learning trở nên phổ biến và thông dụng hơn trong tất cả các lĩnh vực công nghệ, từ công cụ tìm kiếm đến những nền tảng dịch vụ khách hàng, hoàn toàn có cơ sở để nói rằng 2017 là một năm mang tính cách mạng đối với Machine Learning.

Trợ lý thông minh

Trước đây, những "trợ lý thông minh" như Siri của Apple, Cortana của Microsoft và Alexa của Amazon đều đã được ứng dụng mạnh mẽ và rất phổ biến. Nhưng đến năm nay, cả ba trợ lý “ảo” nêu trên cùng nhiều phần mềm hỗ trợ thông minh khác đều ghi nhận đã có một bước tiến đáng kể.

Microsoft hồi tháng Tám năm nay thông báo công nghệ nhận dạng giọng nói của họ đã trở nên hoàn hảo đến mức số lượng lỗi giảm xuống chỉ còn khoảng 5,1% - tương đương với tỷ lệ mắc lỗi ở con người.

Bên cạnh đó, người chị em gần gũi của các trợ lý thông minh là chatbot cũng đang xuất hiện trong nhiều ứng dụng hơn. Về cơ bản, chatbot là một hình thức thô sơ của phần mềm trí tuệ nhân tạo, là sự kết hợp của các kịch bản có trước và tự học trong quá trình tương tác.

Dựa trên những dữ liệu có sẵn, chatbot sẽ dự đoán và phản hồi chính xác nhất có thể đối với các câu hỏi được đặt ra. Nếu câu hỏi không có trong dữ liệu, chatbot sẽ bỏ qua nhưng sẽ đồng thời “bắt chước” đáp án để áp dụng cho các cuộc trò chuyện về sau. Chatbot là một lĩnh vực rất tiềm năng, và những “ông lớn” công nghệ như Microsoft, Facebook đang xem đây là ưu tiên hàng đầu, thậm chí “rót” hàng tỷ USD để phát triển chatbot.

Blockchain

Blockchain đã được giới đam mê công nghệ “rỉ tai” nhau trong nhiều năm qua, song năm 2017 mới thật sự là năm bùng nổ của công nghệ này. Blockchain là một “cuốn số cái điện tử” cho phép các thể chế tài chính trao đổi và lưu trữ các thông tin về tài sản của họ mà không cần một trung tâm quản lý. Các thông tin được lưu trong một “khối” (block), mỗi khối được kết nối với khối trước đó và hình thành nên “chuỗi khối” (blockchain).

Blockchain đang được ứng dụng trong ngày càng nhiều lĩnh vực, với Sở giao dịch chứng khoán Mỹ NASDAQ đang phát triển một hệ thống công nghệ blockchain phục vụ hoạt động giao dịch cổ phiếu ở các công ty.

Sự thành công của blockchain thể hiện rõ ràng nhất thông qua việc ứng dụng phổ biến nhất của công nghệ này - đồng tiền điện tử bitcoin - đã tăng giá phi mã trong thời gian gần đây, thậm chí có lúc phá vỡ mức 20.000 USD/bitcoin. Mặc dù “bong bóng” bitcoin sẽ không tồn tại mãi, song vẫn là bằng chứng về hiệu quả của blockchain và lòng tin của khách hàng đối với công nghệ này.

Công nghệ bảo mật và an ninh

Bảo mật và an ninh là một lĩnh vực công nghệ khổng lồ, trải dài từ máy quay thông minh tới công nghệ “tường lửa” (firewall) tiên tiến, cùng các biện pháp nhằm bảo vệ các công ty lớn không bị thâm nhập dữ liệu.

Vụ việc Equifax - một trong ba công ty cung cấp thẻ tín dụng lớn nhất của Mỹ - bị đánh cắp thông tin nhạy cảm của 143 triệu khách hàng trong năm nay càng làm dấy lên những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân.

Thậm chí bất chấp các sản phẩm bảo mật thông tin có mặt trên thị trường rất đa dạng, những công ty lớn và được tin cậy vẫn không thể “miễn nhiễm” hoàn toàn trước các cuộc tấn công của tin tặc.

Trong thời đại lưu trữ dữ liệu đám mây, thông tin về người tiêu dùng ngày càng nhiều hơn, đồng thời kéo theo thêm nhiều điểm yếu công nghệ dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, người tiêu dùng và các kỹ sư cần tìm kiếm và xây dựng những cách thức bảo vệ dữ liệu hiệu quả hơn nữa.

Thực tế ảo (VR) và Tương tác thực tế ảo (AR)

VR và AR đang làm thay đổi cách mà các cá nhân, thậm chí doanh nghiệp, tương tác với nhau.

Các ứng dụng AR và VR hoàn toàn vượt qua ranh giới ảo của chúng ta, và không chỉ dừng lại ở trò chơi “Pokémon GO” đình đám hồi năm 2016. Hai công nghệ này có thể được ứng dụng cho một loạt các lĩnh vực công nghệ khác nhau và đặc biệt trải nghiệm từ xa.

Các tổ chức sẽ bắt đầu sử dụng VR/AR cho các chương trình đào tạo thời gian thực của họ, nơi họ sẽ sử dụng đồ họa giả lập để huấn luyện các nhân viên.

Năm 2017 cũng đánh dấu việc các thiết bị VR/AR trở nên phổ biến và được người tiêu dùng đại chúng đón nhận hơn. Theo số liệu của công ty phân tích thị trường Canalys, số các thiết bị VR cao cấp (không tính những thiết bị “bình dân” như Samsung Gear VR và Google Daydream) được xuất khẩu trong quý 3/2017 lần đầu tiên cán mốc 1 triệu chiếc.

Dù doanh số của các thiết bị VR chưa thật sự nổi trội so với những sản phẩm công nghệ khác, nhưng không thể phủ nhận sự quan tâm của công chúng đối với lĩnh vực này đang dần tiến triển tích cực hơn.

H. Thủy - Vietnamplus