Hà Nội sẽ lắp camera tại tất cả những nơi có giao dịch với công dân, tổ chức
Trong năm 2018, nhằm tạo cơ chế để người dân giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Thành phố, Hà Nội sẽ triển khai lắp đặt camera toàn bộ những nơi có giao dịch, giải quyết công việc với công dân, tổ chức.
Nội dung trên là một nhiệm vụ được UBND TP.Hà Nội đề ra để hiện thực hóa các chỉ tiêu về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) nhà nước năm 2018 được UBND Thành phố ra quyết định phê duyệt cuối tháng 12/2017.
Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2018 của TP.Hà Nội nhằm mục đích tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần triển khai hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”; đẩy mạnh đổi mới phương pháp cung cấp dịch vụ công, chú trọng đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp; duy trì Chỉ số CCHC (PAR Index) của Hà Nội năm 2018 thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Theo Kế hoạch, về cải cách TTHC, năm 2018 Thành phố đề ra các chỉ tiêu: Cung cấp 55% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phấn đấu đến 2020, 100% TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; 100% TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị được thực hiện qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 100% TTHC được công khai, minh bạch theo quy định. Các quyết định, chính sách, TTHC được công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng trên trang thông tin điện tử của sở, ngành, UBND quận/huyện,/thị xã; duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử đạt trên 95%.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, năm nay, cùng với việc mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông giữa các Sở-ngành, giữa Sở-ngành Thành phố với UBND quận-huyện-thị xã, giữa UBND quận-huyện-thị xã với phường-xã-thị trấn, giữa Sở-ngành Thành phố với các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại Thành phố trong giải quyết TTHC, Hà Nội cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ: tiếp tục công khai, minh bạch, cụ thể hóa các quy trình giải quyết TTHC, quy trình giải quyết một công việc cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo sự đơn giản, thuận tiện cho người dân, tổ chức trong giao dịch hành chính; thường xuyên công khai và cập nhật đúng, đầy đủ, kịp thời TTHC đang có hiệu lực thi hành trên trang thông tin điện tử của đơn vị theo đúng quy định…
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy định về văn bản xin lỗi của cơ quan thực hiện TTHC trong trường hợp giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức đến ngày hẹn trả kết quả mà chưa có kết quả giải quyết; tiếp tục mở rộng phương án tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC thông qua dịch vụ bưu chính công ích.
Về hiện đại hóa hành chính, Kế hoạch của Hà Nội nêu rõ hàng loạt chỉ tiêu cần đạt được, bao gồm: 100% các văn bản, tài liệu chính thức giao dịch giữa các cơ quan nhà nước Thành phố, với cơ quan Trung ương hoàn toàn bằng điện tử (trừ văn bản không chuyển qua mạng theo quy định); 100% cơ quan hành chính nhà nước Thành phố sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối với công dịch vụ công trực tuyến của Thành phố; 100% lãnh đạo các đơn vị sử dụng một số ứng dụng dùng chung của Thành phố trên thiết bị máy tính bảng để xử lý và điều hành công việc, giảm sổ sách giấy tờ; nâng tỷ lệ hồ sơ đăng ký qua mạng của các dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp, đăng ký kinh doanh tối thiểu đạt 80%; các dịch vụ công khác phấn đấu đạt 50%.
Cùng với đó, 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm dùng chung của Thành phố, đảm bảo phần mềm triển khai đến đâu úng dụng ngay đến đó, chú trọng việc tổ chức đào tạo trực tuyến thông qua môi trường mạng; 100% các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bằng hình thức giao dịch điện tử; 100% các cơ quan hành chính từ Thành phố đến cơ sở thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008; tiến tới ứng dụng CNTT, quản lý chất lượng theo hệ thống ISO điện tử.
Để hiện đại hóa hành chính, nhiều nhiệm vụ sẽ được Hà Nội tập trung thực hiện trong năm 2018, đó là: xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử chi tiết sau khi Khung kiến trúc được phê duyệt; hình thành các thành phần cơ bản của Trung tâm điều hành thông minh của Thành phố; duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư; triển khai số hóa, xây dựng và duy trì 4 CSDL quan trọng gồm CSDL đất đai, CSDL doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, CSDL cán bộ công chức, CSDL lĩnh vực tư pháp - hộ tịch phục vụ chia sẻ, khai thác, phát triển kinh tế xã hội.
Triển khai có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của Cổng dịch vụ công Thành phố (http://egov.hanoi.gov.vn); xây dựng hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành nội bộ của Thành phố, duy trì và nâng cấp các ứng dụng cơ bản như thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp toàn Thành phố và kết nối với Văn phòng Chính phủ, tích hợp ứng dụng chữ ký số; tiếp tục duy trì các ứng dụng dùng chung…
Bên cạnh đó, Kế hoạch CCHC nhà nước năm 2018 của Hà Nội cũng đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Công tác chỉ đạo, điều hành; Cải cách thể chế; Cải cách tổ chức bộ máy; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; và Cải cách tài chính công.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch để xây dựng kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả công tác CCHC năm nay.
Vân Anh - ICTNews