VinEco: Ở đâu cũng nhắc đến nông nghiệp thông minh nhưng công nghệ “Made in Vietnam” chưa nhiều

Đại diện VinEco cho rằng tại Việt Nam hiện ở đâu cũng thấy nhắc đến “nông nghiệp thông minh”, tuy nhiên các giải pháp công nghệ “Made in Vietnam” do doanh nghiệp trong nước phát triển cho lĩnh vực này vẫn chưa được biết đến nhiều.

Trao đổi tại tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và cơ hội thúc đẩy kinh tế Việt Nam” do câu lạc bộ nhà báo CNTT-TT tổ chức mới đây, đại diện VinEco cho rằng tại Việt Nam đang có “phong trào 4.0”, ở đâu cũng nhắc đến “nông nghiệp thông minh”.

Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ “Made in Vietnam” của chính các doanh nghiệp trong nước cho nông nghiệp thông minh xem ra vẫn chưa được biết đến nhiều, nhất là trên các phương tiện truyền thông.

Chính vì thế, đại diện doanh nghiệp này đặt câu hỏi hiện nay mối quan tâm đến nông nghiệp thông minh của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam hiện như thế nào?

Liên quan đến câu hỏi của đại diện VinEco, ông Nguyễn Quốc Cường, Trưởng Ban CNTT và Dịch vụ giá trị gia tăng của Tập đoàn VNPT cho rằng những doanh nghiệp như VNPT, CMC… không chỉ tập trung xây dựng những giải pháp cụ thể để giải quyết một số yêu cầu cụ thể của thị trường, mà đóng vai trò tạo ra các nền tảng để rút ngắn thời gian đưa các giải pháp vào thực tiễn, giảm bớt giá thành.

Như đối với nông nghiệp thông minh, VNPT đã đưa ra các giải pháp quan trắc chất lượng nước, không khí; giải pháp nông nghiệp thông minh để giải quyết yêu cầu tự động hóa, yêu cầu hạ giá thành sản phẩm, đưa trí tuệ nhân tạo vào từ chọn giống, chăm sóc tưới tiêu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

“Với vai trò xây dựng các nền tảng để kết nối thông minh, chúng tôi có thể tạo ra môi trường để giúp tất cả doanh nghiệp nhiều quy mô, thậm chí kể cả startup có thể phát huy sự sáng tạo, lòng dũng cảm, tạo điều kiện để đi vào thực hiện những đơn đặt hàng như của VinEco chẳng hạn”, ông Nguyễn Quốc Cường nói.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Bkav cũng cho rằng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sáng tạo là không giới hạn.

“Đối với câu chuyện như VinEco đặt vấn đề chúng ta cần phải làm gì với hệ thống nông nghiệp thông minh, quan điểm của Bkav về vấn đề này là công nghệ đã sẵn sàng, có thể đáp ứng được, vấn đề quan trọng còn lại là thị trường muốn làm và quyết tâm làm ra sao”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

Chia sẻ về trường hợp CMC, ông Vũ Thành Nam, Trưởng nhóm nghiên cứu BigData của CMC cho hay từ nhiều năm trước, CMC đã đầu tư nguồn lực để tiếp cận với trình độ công nghệ tiên tiến, nhằm đem lại lợi ích cho khách hàng.

“Nhiều doanh nghiệp cũng quan tâm đến đầu tư các giải pháp nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên, để làm được thì chỉ người làm công nghệ thôi là không đủ. Khi có dữ liệu, để phân tích được thì cần có chuyên gia, người hiểu về lĩnh vực nông nghiệp...

Lấy ví dụ đơn giản như doanh nghiệp công nghệ có thể làm ra những cảm biến để biết được độ ẩm của đất, nhưng quyết định khi nào tưới lại phải học, phải có những chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp để xác định xem khi nào nên tưới…”, ông Nam phân tích.

Hiện CMC đã tham gia vào Cộng đồng mở IoT Việt Nam, trong đó có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp công nghệ khác như VNG, VNPT Technology, FDS, VTC…, là nơi gặp gỡ giữa 2 bên, một bên có nhu cầu và một bên có khả năng đáp ứng nhu cầu.

“Trong cộng đồng này, chúng tôi cũng có những trao đổi, thảo luận, tư vấn giải pháp làm thế nào để có thể áp dụng các cơ chế IoT, AI để làm nông nghiệp thông minh”, ông Vũ Thành Nam nói.

P.V - ICTNews