Phố nhà kính của… tôm

Những trang trại nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính mọc lên san sát đã biến vùng bùn lầy ven biển Bạc Liêu thành những khu phố nhà kính rực rỡ ánh đèn mỗi khi màn đêm buông xuống.

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: Trần Thanh Phong

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc. Ảnh: Trần Thanh Phong

Doanh thu 40 tỉ đồng/ha/năm

Ông Đinh Vũ Hải (42 tuổi, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) được xem là người đầu tiên áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh trong nhà kính ở Việt Nam. Ông Hải quê Phú Yên, năm 2000 cùng gia đình khăn gói vào vùng ven biển Sóc Trăng thuê đất nuôi tôm nhưng “thất bại nhiều hơn thành công”.

Năm 2007, giữa lúc người nuôi tôm ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề, phải “treo” ao, bỏ nhà đi tìm kế sinh nhai thì ông Hải lại lao vào cuộc phiêu lưu mới: đến Bạc Liêu thuê đất nuôi tôm.

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại trước, lần này ông Hải qua Thái Lan tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi tôm trong nhà kính rồi mang về áp dụng từ năm 2011 đến nay. “Nuôi tôm trong nhà kính có thể thả giống với mật độ dày (từ 200 - 300 con/m2), thời gian thu hoạch ngắn (từ 105 - 120 ngày) nhưng năng suất bình quân lên đến 60 tấn/ha/vụ.

Với 4 vụ nuôi trong năm và giá bán luôn cao hơn giá thị trường 10.000 đồng/kg nhờ sản xuất sạch, mỗi năm người nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính có thể đạt doanh thu 40 tỉ đồng/ha; trong đó lợi nhuận đạt 40 - 50%”, ông Hải chia sẻ.

Ông Lê Anh Xuân (42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Trúc Anh, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu) cũng là một điển hình liên tục gặt hái thành công với mô hình nuôi tôm trong nhà kính. Ông Xuân quê Thanh Hóa, từng có thời gian dài làm tiếp thị thuốc thú y thủy sản, rồi sau đó gắn bó với con tôm Bạc Liêu đến giờ.

Từ năm 2015 đến nay, ông chuyển sang mô hình nuôi tôm trong nhà kính vì “đây là mô hình nuôi tôm bền vững do chỉ sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học”. Tuy nhiên, theo ông, cái khó là đầu tư rất cao.

Một khu nuôi tôm trong nhà kính quy mô lớn phải đầu tư không dưới 10 tỉ đồng/ha để thuê phương tiện khai phá, san ủi đất hình thành các ao nuôi; xây dựng hệ thống kênh cấp thoát nước; đầu tư hệ thống điện thắp sáng, giàn quạt tạo ô xy…

Ngoài ra, phải xây nhà kính khung sắt, phủ màn, xây tường xung quanh ao nuôi; đồng thời trang bị dây chuyền cho tôm ăn tự động, máy đo nhiệt độ, đo mặn, môi trường... “Hiện chúng tôi đã mở rộng quy mô lên 20 ha, tập trung ở hai xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông; đồng thời chuyển giao mô hình cho khoảng 350 hộ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước”, ông Xuân hồ hởi.

Một khu nhà kính nuôi tôm ở Bạc Liêu

Một khu nhà kính nuôi tôm ở Bạc Liêu

Nâng tầm tôm Việt

Nhưng quy mô hàng đầu phải kể đến Tập đoàn Việt - Úc. Năm 2015, tập đoàn này đầu tư cả trăm tỉ đồng để thực hiện mô hình nuôi tôm trong nhà kính trên diện tích 50 ha ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu). Hệ thống nhà kính ứng dụng công nghệ nhà màn Israrel, lọc nước tuần hoàn theo chu kỳ của Đức và Mỹ… nên tôm nuôi đạt tổng sản lượng từ 120 - 240 tấn/ha/năm (3 vụ), cao gấp 10 - 15 lần cách nuôi tôm truyền thống.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc, cho biết tập đoàn đang đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng xây dựng khu sản xuất phức hợp trên diện tích hơn 315 ha tại xã Hiệp Thành (thành phố Bạc Liêu), khép kín từ sản xuất con giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, chế biến thức ăn đến chế biến tôm xuất khẩu...

Theo kế hoạch, mỗi năm khu này sẽ nuôi tôm 2 - 3 vụ, tổng sản lượng đạt trên 70.000 tấn. “Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu mạnh để có thể cạnh tranh với các cường quốc xuất khẩu tôm trên thế giới, đồng thời đồng hành cùng bà con nông dân để hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi tôm cũng như định hướng đầu ra cho việc xuất khẩu tôm chất lượng cao của Việt Nam. Tất cả được làm với khát vọng nâng tầm tôm Việt”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết hiện trên địa bàn có 5 công ty, tập đoàn áp dụng mô hình nuôi tôm trong nhà kính với tổng diện tích gần 800 ha.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao tỉnh Bạc Liêu mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và trên thế giới đến nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực… phục vụ phát triển ngành công nghiệp tôm cho vùng bán đảo Cà Mau, đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến năm 2025 diện tích nuôi tôm trên cả nước là 750.000 ha, sản lượng 1,1 triệu tấn, xuất khẩu sản phẩm tôm đạt 10 tỉ USD, trong đó tôm nước lợ là 8 tỉ USD”, ông Lân cho biết.

Trần Thanh Phong - Báo Thanh niên

Bài gốc