Trẻ em cũng có trở thành "coder" với ngôn ngữ lập trình siêu đơn giản này

Thay vì những dòng code phức tạp khiến ngay cả dân chuyên cũng phải “đau đầu, chóng mặt”, người dùng V-Logic có thể sử dụng câu lệnh đơn giản như “Bật đèn Led rồi chờ 1 giây sau tắt đèn Led”.

Ứng dụng V-Logic trong Robot cộng sự - collaborative robot tại nhà máy của công ty Đức Pepperl+Fuchs

Ứng dụng V-Logic trong Robot cộng sự - collaborative robot tại nhà máy của công ty Đức Pepperl+Fuchs

Anh Nguyễn Văn Đồng cắm thẻ kích hoạt phòng giải trí Karaoke và nói: “Con đường xưa em đi”, ngay lập tức tiếng nhạc bắt đầu vang lên.

Trong khi đó, ở khu vực mua sắm tại cửa hàng bán lẻ tự động Emaxi của anh Đồng, khách hàng vẫn đang tự mua hàng mà không cần có quầy thanh toán. Tất cả những gì họ cần làm chỉ là đưa thẻ khách hàng vào khe cắm tại gian hàng sau bấm nút chọn sản phẩm để hoàn tất giao dịch.

Toàn bộ phần mềm thiết lập cho hệ thống trên do anh Đồng tự làm mà không cần sự hỗ trợ của bất kỳ chuyên gia công nghệ nào. Thời gian anh Đồng triển khai phần mềm cho hệ thống cũng rất ngắn. Anh Đồng chia sẻ: “Tổng thời gian để tôi thiết lập điều khiển cho hệ thống từ A - Z chỉ mất có 15 ngày và những gì đạt được thì rất tuyệt vời”.

Đó là kết quả của việc ứng dụng bộ giải pháp bao gồm ngôn ngữ lập trình gần với ngôn ngữ tự nhiên và nền tảng V-Logic lập trình các qui trình tự động.

Cùng với sự phổ biến các thiết bị IoT (Internet of Things) trong mọi lĩnh vực, nhu cầu về các ngôn ngữ lập trình điều khiển các thiết bị này cũng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, do sự phức tạp của nó, đây vẫn là “thánh địa” của các chuyên gia CNTT và tự động hóa. Người dùng chỉ có thể sử dụng thiết bị theo thiết lập ban đầu chứ rất khó tùy chỉnh theo ý muốn.

Bởi vậy, anh Lương Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Hệ thống Việt (V-SYS ) và các cộng sự đã nghiên cứu, phát triển giải pháp để các chuyên gia trong từng chuyên ngành và người dùng bình thường có thể tự thiết lập hệ thống kiểm soát và điều khiển thiết bị mà không cần kiến thức về công nghệ thông tin. Từ đó, ngôn ngữ V-Logic đã được ra đời.

Những thiết bị IoT vẫn thường được thiết lập bằng các ngôn ngữ như VB, Python… tuy nhiên những ngôn ngữ này rất phức tạp. Do đó đòi hỏi người lập trình có kiến thức sâu về CNTT và thời gian lập trình cho một hệ thống lên đến hàng tháng.

Lập trình bật tắt đèn LED bằng ngôn ngữ Python

Lập trình bật tắt đèn LED bằng ngôn ngữ Python

V-Logic khắc phục những nhược điểm trên bằng cách sử dụng ngôn ngữ gần với ngồn ngữ tự nhiên hàng ngày của con người. Thay vì những dòng code phức tạp khiến ngay cả dân chuyên cũng phải “đau đầu, chóng mặt”, người dùng V-Logic có thể sử dụng những câu lệnh đơn giản như “Bật đèn Led rồi chờ 1 giây sau tắt đèn Led”. Nhờ đó, thời gian lập trình được rút ngắn chỉ còn vài tuần.

Nhờ vậy, chuyên gia trong các chuyên ngành và người dùng bình thường có thể tự thiết lập quy trình tối ưu, dễ dàng đóng gói tri thức của mình và phân phối ra thị trường. Đồng thời, thời gian và chi phí chỉ bằng 5-10% so với các công trình ứng dụng IoT hiện nay trên thị trường sử dụng các phương pháp lập trình khác.

Thiết lập điều tương tự với V-Logic

Thiết lập điều tương tự với V-Logic

Giải pháp này được các chuyên gia CNTT đánh giá cao. TS Trần Lương Sơn, Tổng giám đốc Công ty Vietsoftware, đánh giá: “V-Logic có tiềm năng ứng dụng rất lớn, có thể tạo ra một cuộc cách mạng về lập trình cho thiết bị IoT”.

Thực tế, các qui trình sử dụng V-Logic đã được ứng dụng thành công cho hệ thống cho ăn tối ưu phù hợp từng giống tôm, cá theo ngày tuổi, điều kiện thời tiết, ao hồ hay máy châm cứu tự động theo nhịp điệu và cường độ phù hợp các bài châm...

“Như vậy các chuyên gia chuyên ngành sẽ là những người đóng vai trò chính yếu tạo nên giá trị gia tăng trong hệ sinh thái IoT này mà không cần có sự tham gia của các chuyên gia lập trình, hay nói cách khác, họ cũng chính là “chuyên gia về IoT”, anh Tuấn cho biết.

Ngoài ra, nhờ sự đơn giản của V-Logic ngay cả trẻ em cũng có thể thiết lập các hệ thống vui chơi - học tập mà không cần học kiến thức lập trình. Như vậy, sự phát triển trí tuệ và sáng tạo của trẻ sẽ được tập trung vào các quy trình chuyên biệt thay vì tập trung vào công cụ lập trình.

Hiện nay, anh Tuấn và Công ty V-SYS đã chuyển giao kiến thức về V-Logic cho nhiều chuyên gia và triển khai thành công trong nhiều lĩnh vực nhà ở, văn phòng thông minh, nhà máy, kho bãi thông minh, chăn nuôi và trồng trọt thông minh, bán lẻ thông minh... Bị thuyết phục bởi những ưu điểm của V-Logic, Công ty Boxx -  chuyên tư vấn, cung cấp giải pháp nhà thông minh, đã quyết định áp dụng hệ thống này cho toàn bộ văn phòng của mình.

"Chủ nhà có thể tự mình lên kịch bản theo ý muốn và một điểm vượt trội hơn nữa là khả năng điều khiển bằng giọng nói", anh Lê Đăng Khoa, Phó giám đốc công ty nhận xét, "Kể cả khi bộ điều khiển trung tâm bị hư hỏng thì các thiết bị vẫn có thể tự hoạt động. Sau khi thay thế, chỉ cần 3-5 giây để tải lại chương trình từ đám mây là hệ thống lại hoạt động bình thường"

Phạm Sơn - Báo Khám phá

Bài gốc