Sản xuất công nghiệp thời 4.0: Thông minh hay là chết?
Mô hình nhà máy thông minh là tương lai của ngành sản xuất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài cuộc chơi đó.
Đó là ý kiến thống nhất mà các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Công nghiệp Hỗ trợ trong cách mạng công nghiệp 4.0” ngày 13.3 trong khuôn khổ “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2018” do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động rất lớn, thậm chí thay đổi hoàn toàn cách ngành sản xuất hoạt động. Những công nghệ mới dẫn đến sự ra đời của các nhà máy thông minh tự động hóa, số hóa và liên kết tất cả các giai đoạn sản xuất dựa trên tích hợp Internet vạn vật (IoT), internet, big data, điện toán đám mây và hệ thống thực tế - ảo.
Ông Đỗ Tân Khoa, Trưởng phòng nghiên cứu Trung tâm đào tạo – Ban Quản lý Khu công cao TP.HCM, cho biết các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã đề ra những sách lược mới để thích ứng với những thay đổi này.
Để duy trì khả năng cạnh tranh cao bằng cách tạo ra sự đổi mới thông qua nghiên cứu sáng tạo, nước Đức đã đưa ra “Kế hoạch hành động Công nghệ cao 2020”. Trong đó, các nhà máy sản xuất được thông minh được ứng dụng trí thông minh nhân tạo và Internet vạn vật (IoT) để tự động, tối ưu hóa sản xuất ở tất cả các khâu.
Chính phủ Hàn Quốc cũng công bố chiến lược thúc đẩy phát triển “Đổi mới sáng tạo sản xuất 4.0” với mục tiêu thông minh hóa 10.000 nhà máy cho đến năm 2020. Những nhà máy này có thể sản xuất các sản phẩm tùy biến với thời gian và chi phí tối thiểu dựa trên IoT và hệ thống thực tế - ảo.
Tại Việt Nam, những công nghệ kể trên cũng đã được một số doanh nghiệp đưa vào sử dụng. Tuy nhiên để tiến tới nền sản xuất thông minh, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Xuân Thuý thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công thương, cho rằng: “Sẽ còn cần thời gian để hiện thực hoá nhưng từ bây giờ các doanh nghiệp trong ngành cũng phải có sự chuẩn bị. Ngoài ra, quá trình này cũng đòi hỏi những thay đổi về quản lý quy trình, mô hình kinh doanh, kiến trúc hạ tầng IT, chuỗi giá trị…”
TP.HCM mới đây đã công bố 4 chương trình mục tiêu về khoa học công nghệ hướng tới làm chủ công nghệ và phát triển các sản phẩm ứng dụng cụ thể. Trong đó, các chương trình nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt, nghiên cứu chế tạo máy CNC và công nghệ 3D được mong đợi sẽ là đòn bẩy quan trọng nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt.
Phạm Sơn - Báo Khám phá