Ứng dụng công nghệ giúp tăng giá trị cho sản phẩm Việt
Để phát triển một cách bền vững và vươn ra xuất khẩu nước ngoài, một trong những mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước hướng tới là xây dựng được nền tảng tiến bộ khoa học kỹ thuật, để ứng dụng vào sản xuất. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng, mà còn giúp tạo vị thế của sản phẩm Việt trên thị trường.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sản xuất của Việt Nam như ngành cơ khí, nông nghiệp… hiện vẫn đang ở tình trạng gia công thô, chưa có sự tham gia của các tiến bộ khoa học, công nghệ.
Điều này khiến cho ngành cơ khí mặc dù đã trải qua hàng chục năm phát triển, nhưng vẫn bị coi là “non trẻ”. Hay như ngành nông nghiệp, thiếu công nghệ trong nuôi trồng, khâu bảo quản sau thu hoạch khiến cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam bị giảm giá trị đi rất nhiều. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Công ty TNHH Cơ khí SKD Việt Nam cho rằng, với ngành chế tạo thiết bị, linh kiện, thì việc đầu tư vào công nghệ sản xuất là hết sức quan trọng. Bởi ngoài việc tạo ra độ chính xác cho sản phẩm, những thiết kế mới, công nghệ cao sẽ giúp doanh nghiệp có ưu thế hơn trong việc cạnh tranh đơn hàng với các doanh nghiệp khác.
Đơn cử như hiện nay, với việc nhập thêm một loạt các máy móc cơ khí chính xác, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài để trao đổi về công nghệ, Cơ khí SKD Việt Nam đang dần “lấn sân” sang các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Malaisia, Thái Lan…
Điều này không chỉ đúng với các ngành công nghiệp, công nghệ cao, mà với cả trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hoạch, chế biến sâu… cũng đang được quan tâm.
Làm thế nào để cà chua có thể bán với giá 25.000 – 30.000/kg đồng, thậm chí cao hơn, thay vì chỉ 5.000 – 7.000 đồng/kg? Chia sẻ với báo chí trong buổi gặp mới đây, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cho rằng, ở các ngành nghề nói chung và đặc biệt, riêng với ngành nông nghiệp, thì yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải ứng dụng bằng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm. Việc này sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi cho các sản phẩm nông sản.
Bà Hằng cho hay, tại Hàn Quốc, trang trại rau sạch của doanh nghiệp nước này sử dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với trái cà chua, nhờ đó cà chua thu hoạch sẽ giữ được độ tươi lâu hơn.
Nếu như trái cà chua không áp dụng công nghệ bảo quản chỉ giữ được độ tươi trong 7 ngày nhưng khi áp dụng công nghệ này, có thể giữ được 2 đến 3 tuần. Chúng tôi cũng đã áp dụng công nghệ này để giúp bảo quản cho nhiều hecta cà chua sạch của công ty hiện nay như tại Ninh Bình.
Ngoài ra, với việc ứng dụng công nghệ vào khâu chăm sóc, bảo quản, mỗi 1 sào đất trồng rau an toàn trong 1 vụ sản xuất kéo dài từ 20 – 60 ngày đã mang lại thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, cao gấp 5 – 7 lần, thậm chí cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đây.
Theo bà Hằng, sản xuất nông nghiệp rất cần phải ứng dụng tiến bộ khoa học để tăng năng suất và hạn chế tình trạng mất mùa do sâu mọt. Đó là hướng đi mà các doanh nghiệp Việt cần phải hướng đến nếu muốn phát triển bền vững và ổn định, cũng như thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Tìm về vùng nguyên liệu sạch của Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, trao đổi với bà Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh, doanh nghiệp này đang tiếp tục hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau màu, mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với cây lúa.
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam, chất lượng rau của công ty sản xuất ra đạt chất lượng tốt, sản phẩm khi đưa ra thị trường đã được các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng phản hồi tích cực, từ đó đã có nhiều doanh nghiệp thương mại mong muốn được hợp tác, sản xuất và bao tiêu các sản phẩm rau đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
Theo bà Dung, để phát huy những khả năng cùng hiệu quả của mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh muốn phát triển quy mô với 6.000 m2 diện tích sản xuất, trong đó có 5.000 m2 nhà lưới và 1.000 m2 nhà kính để tiến hành sản xuất rau an toàn, hạn chế được sức lao động cũng như những tác động bất lợi của thời tiết đưa quá trình sản xuất rau với quy mô đại trà. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn để doanh nghiệp phát triển sản xuất hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo bà Dung, hiện nay Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh đang áp dụng một số các phương pháp bảo vệ cây trồng trong sản xuất như nhà lưới, công nghệ tưới tiên tiến… giúp cho các sản phẩm nông sản được bảo vệ tốt hơn mà không phải sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo quản độc hại, đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản sạch và năng suất cao hơn hẳn so với sản xuất theo cách thông thường.
Để đầu tư công nghệ vào sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn về vốn do suất đầu tư rất lớn và gặp nhiều rủi ro. Song hướng đi của Công ty Cơ khí SKD Việt Nam hay Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp Việt ngày càng nắm bắt và chú trọng hơn vào việc ứng dụng công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp sản xuất nào cũng có thể làm tốt việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến… Chính bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, rất cần sự liên kết cả trong và ngoài nước, một chiến lược dài hơi và sự tham gia của nhiều bộ mới có thể đảm bảo sản xuất tốt trong nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đức Dũng - Báo Dân tộc và miền núi