Nuôi gà công nghệ, một bước ra thế giới
Phân khúc thịt gà trắng công nghiệp trị giá hơn nửa tỷ đôla đang có chuyển biến đáng kể khi nông dân áp dụng KH-CN để có thể cạnh tranh với thịt ngoại và lần đầu tiên sản phẩm thịt gà của Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu thành công…
Trại gà Global GAP
Trại gà công nghiệp hơn 200.000 con của ông Nguyễn Văn Ngọc (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) là một trong số ba khu trại duy nhất ở Việt Nam đang áp dụng quy trình chăn nuôi chuẩn Global GAP. Để có được khu trại đạt chuẩn, hồi cuối năm ngoái, ông Ngọc phải chấp nhận bỏ ra thêm 20% chi phí, tương đương 400 triệu đồng/trại công suất 10.000 con, mua sắm thiết bị, thiết kế, xây dựng lại toàn bộ khu trại...
So với trước đây nuôi gà “tự sáng tác, nghĩ gì làm đó”, nay áp dụng chuẩn Global GAP, mọi thứ hoàn toàn mới với những nông dân đã có kinh nghiệm hơn 20 năm như ông Ngọc.
Đầu tiên, các chủ trại phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của nhóm nhân viên quốc tế về Global GAP, họ phải thiết kế lại hệ thống nước thải theo hướng an toàn sinh học, giảm triệt để gây ô nhiễm môi trường.
Chung quanh trại, thay vì để cỏ dại mọc như trước, nay phải đổ bê tông, tráng nhựa, trồng cây cho hài hoà với không gian xanh. Mỗi trang trại, thay vì công nhân cho gà ăn, nay chủ trại được khuyến nghị đầu tư silo (bồn chứa thức ăn), gà ăn bằng hệ thống tự động, giảm tối đa tiếp xúc của con người. Để giảm nguy cơ lây bệnh, thức ăn sản xuất từ nhà máy chở bằng xe bồn trút thẳng vào các silo, chứ không đóng vào từng bao tải vận chuyển như trước.
Một sự khác biệt lớn nhất nữa đó là nhà ăn công nhân, nếu trước đây công nhân ăn chung, ngủ chung với gà, thì Global GAP yêu cầu phải tách biệt họ với khu trại. Đặc biệt, mỗi khu trại phải có một lò thiêu, vốn đầu tư tròn 1 tỷ đồng tiêu huỷ xác gà, động vật; chứ không làm theo cách truyền thống chôn hoặc cho cá ăn, dễ phát sinh mầm bệnh…
Kỹ thuật chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn Global GAP tuy không khác biệt nhiều so với phương thức chăn nuôi công nghiệp mà các trang trại vẫn đang áp dụng, nhưng đòi hỏi mọi khâu phải tỉ mỉ, chính xác.
Mỗi công nhân chỉ đảm nhận một công việc, họ làm thuần thục giống như những cỗ máy, có kế hoạch làm việc rõ ràng chứ không phải thức khuya, dậy sớm theo lối “ngày không có giờ, tuần không có thứ”, ăn chung, ngủ chung với… gà.
“Một trại trước đây có 30 công nhân, nay nhờ tự động hoá, cũng phần việc như vậy, nhưng rút ngắn còn 3. Họ thức dậy giờ nào, cho gà ăn giờ nào, cho ăn bao nhiêu cám, thời điểm nào vệ sinh chuồng trại, chích vắc xin ngày nào trong tuần… được lên lịch cụ thể.
Mỗi người một phần việc chứ không chồng chéo, lẫn lộn, tư chế và công việc được ghi nhật ký ngày, nhật ký tuần, nhật ký tháng để theo dõi. Sau này làm tư liệu truy xuất nguồn gốc”, ông Ngọc giới thiệu.
Một trại gà khác đang áp dụng chuẩn Global GAP của ông Nguyễn Minh Kha ở huyện Tân Phú, Đồng Nai. Trang trại sử dụng hoàn toàn bằng công nghệ tự động của Đức; được kiểm soát rất nghiêm ngặt, nước uống, thức ăn được rót vào các silo ở đầu trại, chuyển tự động đến từng con gà. Mỗi trại 20.000 con chỉ cần hai công nhân quản lý.
Công việc của họ là kiểm tra các dữ liệu đầu vào, kiểm tra sức khoẻ con gà, sau đó thu nhập, phân tích, đánh giá hiệu quả trong ngày, cũng như các biến động bất thường của khu trại để điều chỉnh. Toàn bộ thông tin được cập nhật vào hệ thống phần mềm, hệ thống này được chuyển về điện thoại của chủ trại và công ty để họ biết tình hình, lập kế hoạch.
Theo ông Kha, ngoài công nghệ tự động hoá, yếu tố thành công vượt trội nuôi gà Global GAP là việc kiểm soát nghiêm ngặt nguy cơ lây bệnh, các khu nuôi gà không bao giờ cho người ngoài vào.
Còn công nhân ở trại nào chỉ được ở khu đó, đến giờ ăn có người đem cơm tới tận nơi cho ăn, muốn ra ngoài phải được chấp thuận và khi trở lại trại họ phải có ba bốn ngày cách ly ở khu an toàn.
“Con gà nuôi trong môi trường nhốt, khai thác thịt trong vòng năm sáu tuần nên mẫn cảm với dịch bệnh, chỉ có cách ly hoàn toàn mới giúp chúng khoẻ mạnh, ăn, lớn nhanh”, ông Kha bảo.
Trong khi đó, theo ông Ngọc, một điểm quan trọng của Global GAP khi áp dụng vào con gà đó là phải hướng đến phúc lợi, sức khoẻ cho các bên, trong đó đối tượng ưu tiên chính là… con gà.
Lâu nay, những người nuôi gà như ông Ngọc, ông Kha thường chú trọng đến nâng công suất cao nhất cho trại gà, nên thường thả mật độ trung bình 15 con/m2, nay, tiêu chuẩn Global GAP nghiêm cấm, yêu cầu giảm xuống 10 con/m2, giúp con gà có sân chơi, có không gian thoải mái trong sinh hoạt.
Bên cạnh đó, mỗi chuồng nuôi, phải bố trí các cục rơm tròn, căng dây cách mặt sàn 40cm từ đầu này sang đầu kia lấy chỗ cho con gà bới, bay nhảy, đậu lên các dây.
“Nói chung là phải thiết kế làm sao để con gà sinh sống giống như tập tính, sở thích tự nhiên vốn có của nó”, ông Ngọc nói.
Cạnh tranh sòng phẳng
Ông Nguyễn Minh Kha khẳng định nuôi gà Global GAP ưu việt, từ con giống, lịch thả gà, bắt gà, số lứa nuôi trong năm… đều lên kế hoạch trước. Nghĩa là, người chăn nuôi “khoẻ” hơn trước rất nhiều, ngay cả đầu ra cũng đã có các công ty trong chuỗi hỗ trợ. “Tuy mới tham gia chuỗi, nhưng chúng tôi đã tăng từ 4 lên 5 lứa gà/năm (tăng 20% sản lượng và 20% lợi nhuận”, ông tiết lộ.
Hiệu quả lớn nhất trong việc áp dụng Global GAP vào các trại gà công nghiệp, như giới thiệu của một số người chăn nuôi, đó là nhờ quy trình kiểm soát chặt chẽ nên giảm nguy cơ dịch bệnh tối đa cho đàn gà. Trước đây, do chưa có kiểm soát, đàn gà thường xuyên bị bệnh, chủ trại phải tốn tiền dùng kháng sinh, vắc xin.
Gà bị bệnh thì tỷ lệ chết, năng suất, lứa nuôi giảm đáng kể. Ông Nguyễn Văn Ngọc nhẩm tính việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp trại gà của mình quay vòng thêm một lứa, lên năm lứa trong năm. Ngoài ra, việc đầu tư thiết bị tự động hoá còn giúp cắt giảm tối đa nhân công, giảm chi phí vận chuyển con giống, cám…
“Hơn một năm trước, ngành gà trắng của Việt Nam luôn đi sau Thái Lan về công nghệ, chất lượng, giá thành, nhưng nay, chúng tôi khẳng định mình đã ngang, thậm chí vượt họ”, ông Ngọc bảo, đồng thời cho hay giá thành chăn nuôi ở các trang trại áp dụng Global GAP giảm từ 26.000 đồng/kg xuống còn 23.000 đồng, nên hoàn toàn có thể cạnh tranh xuất khẩu được với các nước trên thế giới.
Liên doanh Koyu & Unitek, hơn một năm trước chỉ có thể tìm được nguồn nhập khẩu gà từ Thái Lan, nay, nhận thấy lợi thế, họ đã “chia phần” cho Việt Nam và đang có định hướng đẩy mạnh hợp tác chăn nuôi với nông dân để gia tăng xuất khẩu.
Một doanh nghiệp khác là công ty chăn nuôi C.P Việt Nam cũng vừa công bố đang chuẩn bị hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà toàn cầu, để chuẩn bị đến năm 2019 sẽ xuất khẩu.
Một liên doanh khác là BELGA, De Heus, nhờ áp dụng quy trình công nghệ nuôi gà hiện đại, họ đã thành công khi sản xuất được con gà có chất lượng đạt chuẩn thế giới, đồng thời đưa giá thành nuôi gà trắng về ngang, thậm chí thấp hơn nhiều nước khác.
Bảo Ngọc - Khoa học phát triển