Startup Việt đưa sản phẩm xà đơn ra thế giới
Tâm huyết với sản phẩm xà đơn của Khánh Trình có thể hiểu được khi biết rằng nhờ nó, anh đã cao lên 14 cm thời phổ thông.
"Tôi ít khi viết review cho sản phẩm gì, nhưng riêng lần này thì không thể không phản hồi ngay", Mark Hoosier, một khách hàng Mỹ viết trên sàn thương mại điện tử Amazon. "Cao 1,9m, tôi khó có thể tìm loại xà đơn nào đủ cao và chắc để tập ở nhà. Sau khi thử qua cả chục loại, cuối cùng tôi cũng tìm được một sản phẩm tuyệt vời và đúng ý".
Phản hồi nói trên dành cho sản phẩm xà đơn mang thương hiệu Việt có tên Khánh Trình do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Không riêng Mark Hoosier, 80% khách hàng phản hồi khác cũng chấm 5 sao.
Người Việt tìm cơ hội bán hàng trên Amazon không ít, tuy vậy hiếm khi người ta gặp xà đơn. Giá 288 USD mỗi sản phẩm chưa bao gồm phí ship, tương đương 6,7 triệu đồng, Khánh Trình hiện bán được khoảng hơn 100 bộ xà đơn mỗi tháng trên Amazon. Con số chưa nhiều, nhưng theo nhà khởi nghiệp trẻ Lê Nguyễn Khánh Trình, để đưa được sản phẩm xà đơn made in Vietnam mang tên mình lên sàn thương mại điện tử quốc tế và được khách hàng nước ngoài yêu thích, anh đã trải qua hành trình khởi nghiệp không đơn giản.
Hành trình khởi nghiệp của một nhân viên ngân hàng
Bỏ việc để tập trung hoàn toàn cho khởi nghiệp năm 2013, nhưng ý tưởng thiết kế và kinh doanh xà đơn đến với Khánh Trình trước đó khá lâu - từ năm 2008. Khánh Trình bắt đầu tập xà đơn trên một nhánh cây năm cấp ba. Nhờ chăm chỉ tập luyện, từ một chàng trai cao 1m53, anh đạt được chiều cao 1m67 như hiện tại. Việc luyện tập xà đơn cũng giúp Trình giảm những cơn đau mỏi lưng do ngồi nhiều.
Nhận ra lợi ích của xà đơn với chiều cao và sức khỏe, cho rằng người dân sống thành phố khó có được chiếc xà đơn đủ tốt để tập luyện, Trình quyết định tạo ra một chiếc xà đơn cơ động để khởi nghiệp. Nhà sáng lập đưa kinh nghiệm 10 năm gắn bó với xà đơn vào thiết kế sản phẩm với nhiều đặc điểm như điều chỉnh độ cao dễ dàng, khung xà vững chắc, ít rung, gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển, chịu lực tốt...
"Khi thiết kế, tôi vẽ đi, vẽ lại nhiều lần với nhiều hình dáng sản phẩm khác nhau, tránh tất cả kiểu dáng hiện có trong nước và quốc tế, vì sớm tính xa đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ra quốc tế. Sau đó chọn ra một kiểu dáng tối ưu nhất, tiếp tục tính toán chi tiết thông số về vật liệu và chịu lực", Khánh Trình chia sẻ.
Cứ thế, ngày đi làm, đêm về Trình mày mò thiết kế, đọc lại vật lý và hình học phổ thông, tìm hiểu về cơ khí và vật liệu, tính toán sức bền, chịu lực. Sau gần hai tháng, bản thiết kế đầu tay ra đời, Khánh Trình tìm đến xưởng cơ khí đặt sản xuất thử và sản phẩm đáp ứng hầu hết mong muốn của anh.
Để tiết kiệm chi phí đưa sản phẩm ra thị trường, Khánh Trình tiếp tục tự học thiết kế website, đăng bán lên các trang rao vặt phổ biến khi đó như Vật giá, Rồng bay, Chợ điện tử, Mua rẻ... Sau một tháng anh có đơn hàng đầu tiên. Rồi bộ thứ hai, thứ ba... "Mọi người xem quảng cáo hoặc giới thiệu cho nhau tìm đến, việc kinh doanh cứ thế được mở rộng", Trình kể lại.
Sau 5 năm, xà đơn xếp Khánh Trình tiếp cận khoảng 15.000 khách hàng trên cả nước. Sản phẩm chủ yếu bán online và phân phối qua các đại lý bán hàng tại các thành phố lớn, được nhiều bệnh viện, phòng khám cơ xương khớp sử dụng.
Đến tháng 8/2013, nhận thấy đã có cơ sở vững chắc, Khánh Trình nghỉ việc tại ngân hàng, tập trung hoàn toàn vào kinh doanh. Đó cũng là thời điểm mà các công cụ quảng cáo trên Google, Facebook... bắt đầu phát triển, giúp sản phẩm tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng. Khánh Trình bắt đầu tính đến chuyện xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Xuất khẩu với 500 USD marketing
Không có hành trình ra biển lớn nào mà không phải trả giá. Khi mò mẫm tìm đường đưa sản phẩm ra thế giới, Khánh Trình cũng vậy. Nhà khởi nghiệp sinh năm 1984 cho biết mình đã phải đánh đổi nhiều thời gian và chi phí lên đến cả tỷ đồng.
Ban đầu, Trình sử dụng kênh Alibaba để bán buôn, song không hiệu quả. Khánh Trình tiếp tục thuê các nhân viên kinh doanh người Việt và người nước ngoài để chào mời các nhà phân phối nước ngoài nhưng đều không thành công.
Ròng rã hơn một năm trời không thu được kết quả, cuối năm 2016, Khánh Trình quyết định thay đổi chiến lược, tiếp cận thị trường Mỹ theo hình thức tự xây dựng thương hiệu để bán lẻ trực tiếp cho khách hàng thông qua sàn thương mại điện tử Amazon và website riêng.
"Chúng tôi nghiên cứu về các sản phẩm cạnh tranh, tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của chúng để quyết định có thể cạnh tranh trực tiếp hay không, từ đó đề ra chiến lược marketing phù hợp", đại diện doanh nghiệp cho biết.
Khánh Trình tập trung vào những lợi thế khác biệt của sản phẩm để marketing như: thiết kế đơn giản, gọn nhẹ nhưng vững chắc và chịu lực tốt (đến 350kg) trong điều kiện người dùng tập mạnh cũng không bị cong vẹo hay sập xà. Người dùng có thể tăng giảm độ cao thanh xà đơn giản bằng tay không để xà luôn cao hơn tầm với phù hợp với những người tập cao đến 2m. Hơn nữa, người dùng có thể xếp lại sản phẩm dễ dàng sau khi tập luyện. Những điểm mạnh này hấp dẫn khách quốc tế bởi những người cao to thường khó tìm được sản phẩm nào khác phù hợp với nhu cầu của họ như vậy.
Nhờ tự tin vào sản phẩm cùng chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp, sau thời gian ngắn, doanh nghiệp bắt đầu bán được những bộ sản phẩm đầu tiên, nhận được những đánh giá tích cực từ phía khách hàng. Đơn đặt hàng bắt đầu tăng lên dù chi phí marketing của Khánh Trình khá khiêm tốn - chỉ khoảng 500 USD mỗi tháng.
Nhiều khách hàng hài lòng khi sử dụng sản phẩm giới thiệu đến bạn bè, người thân của họ cũng giúp Khánh Trình bán được nhiều hàng hơn. Trong năm 2017, nhiều tháng Khánh Trình bán hơn 200 bộ sản phẩm. Theo nhà sáng lập xà đơn Việt, "doanh thu sản phẩm hiện khá ổn định, dù cạnh tranh trên thị trường Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt".
Song song với việc tìm cách xuất khẩu xà đơn ra thế giới, để bảo vệ sản phẩm, Khánh Trình đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, anh nhận được bằng sáng chế độc quyền tại 6 nước là Việt Nam, Mỹ, Australia, Nga, Nam Phi và Nigeria.
Tuy nhiên, con đường kinh doanh trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Chỉ vài tháng sau khi lên sàn, Khánh Trình lần lượt phát hiện ba thương hiệu làm nhái thiết kế của mình với giá bán thấp bằng một nửa..
Vì điều này, trong năm 2018 doanh thu của Khánh Trình dần sụt giảm, trong khi các thương hiệu bán hàng nhái ngày càng hút khách. Ban đầu, những báo cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Khánh Trình đều không có kết quả do chưa có bằng sáng chế tại Mỹ. Phải tới đầu năm 2019, sau khi Khánh Trình nhận được Bằng sáng chế từ Phòng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO), các thương hiệu kia mới xóa bỏ tin đăng trên Amazon.
Ngay sau đó, doanh thu khởi sắc trở lại. Cuối năm 2019, sản phẩm của Khánh Trình được nhiều website như vbestreviews.com, atopdaily.com đánh giá là một trong những loại xà đơn tự đứng tốt nhất thị trường Mỹ.
Tháng 8/2019, Khánh Trình mang sản phẩm lên chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam, với mục tiêu gọi vốn đầu tư để phát triển thương hiệu, đẩy mạnh marketing mở rộng thị trường tại Mỹ và Nhật Bản. Tuy không thành công, song CEO Khánh Trình cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các nhà đầu tư và đối tác tốt trên khắp thế giới để hợp tác mở rộng thị trường cho sản phẩm này.
Khánh Trình đặt mục tiêu sẽ đưa hàng hóa vào các siêu thị lớn tại Mỹ như Costco, Walmart..., phát triển mạng lưới các nhà phân phối dưới hình thức Drop Shipping và tiếp cận những thị trường lớn khác ngoài Mỹ.
"Nếu gọi được vốn đầu tư, tìm được những đối tác tốt và xây dựng một thương hiệu mạnh, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc trên thị trường thế giới. Có thể là 200% trong năm đầu tiên và các năm tiếp theo sẽ là 500% đến vài nghìn %", nhà sáng lập thương hiệu xà đơn xếp Việt Nam cho biết.
Minh Hà/Theo Vnexpress