Lê Minh Cương, nhà sáng lập Spico: Hài lòng với sự mộc mạc đậm chất quê hương
Quy mô Spico còn nhỏ, nhưng nhà sáng lập Lê Minh Cương hài lòng, không tự nhận Spico là một nhà máy, không đi theo hướng công nghiệp, mà chỉ là một xưởng chế biến, một thương hiệu địa phương.
Thành quả lúc nửa đêm
Hai năm trước, Lê Minh Cương nhận thấy nguồn ớt trồng ở quê hương Thanh Hóa dù đạt chất lượng nhưng không được tận dụng, giá bán thấp, trong khi bà con phải dùng tương ớt công nghiệp không an toàn. Có cách nào chế biến được tương ớt không phụ gia từ nguồn nguyên liệu địa phương này? Câu hỏi ấy khiến chàng trai trẻ sinh năm 1992 không ngừng trăn trở và quyết định theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp từ ớt.
“Sau 47 lần thí nghiệm tìm công thức, có hôm 12 giờ đêm còn lăn vào bếp khi chợt nghĩ ra cách nấu, sản phẩm chuẩn ra đời dậy vị cay của ớt mà không quá cay”, Cương nhớ lại và cho biết, đã đầu tư mua máy móc, nguyên liệu để bước từng, từng bước đưa các sản phẩm gia vị ra thị trường.
Spico (viết tắt của Spice Country - đất nước gia vị) hướng tới việc xây dựng, phát triển giá trị bền vững, đảm bảo các tiêu chí về nguyên liệu sạch, an toàn sức khỏe. Cách thức ủ ớt, lên men, hương vị mỗi sản phẩm và phong cách bao bì của Spico đều mang đậm văn hóa truyền thông. “Với tôi, Spico chính là cầu nối để đưa nguyên liệu từ đất mẹ lan tỏa tới người tiêu dùng và góp phần phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống”, Cương chia sẻ.
Trao đổi ngắn với Lê Minh Cương
Spico có kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong cùng lĩnh vực như thế nào, khi vừa trở thành quán quân Cuộc thi Dự án khởi nghiệp với chủ đề “Nông nghiệp phát triển bền vững” lần thứ 7?
Có rất nhiều dự án khởi nghiệp nông nghiệp tạo ra những sản phẩm độc đáo mà địa phương tôi không có. Thế nên sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng liên kết chặt chẽ với các đơn vị đó để cho ra những sản phẩm thú vị và chất lượng hơn. Spico đang sử dụng mật hoa dừa Sokfarm để làm ngọt trong sản phẩm tương ớt cho trẻ em. Trước mắt, ở combo sản phẩm Tết, chúng tôi kết hợp với Nhân hậu Food cùng Con tôm rừng để tạo hộp quà có cá trắm kho, có sản phẩm từ tôm rừng sinh thái Cà Mau và tương ớt Spico.
Tại sao Spico có được những thành công bước đầu như thời gian qua, khi mà mô hình tương tự đã được nhiều bạn trẻ làm, kể cả các doanh nghiệp lớn?
Tôi nghĩ là do mình có niềm tin vào những giá trị văn hóa tuy cũ mà đẹp. Tương ớt vốn rất phổ biến, nhưng một dòng tương ớt truyền thống ủ đến nửa năm, không hóa chất, ngon miệng, thấm đẫm tinh thần và văn hóa quê hương lại không nhiều. Tôi tin là khách hàng cảm nhận được tình yêu quê hương của Spico, nên đã ủng hộ ngày càng nhiều.Vốn được đào tạo chuyên ngành về du lịch tại Singapore, là “tay ngang” tham gia lĩnh vực chế biến thực phẩm, Cương phải tự tìm tòi, học hỏi kiến thức của thế hệ cha ông hay tài liệu của phương Tây, rồi mày mò thử nghiệm. Mỗi lần có kiến thức mới, Cương lại làm thử, hỏng thì đổ đi và nấu lại.
“Tôi không nhớ hết bao nhiêu lần cay chảy nước mắt và đã uống bao nhiêu lít sữa vì quá cay. Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cảm giác cực kỳ phấn khích lúc nửa đêm khi thấy sản phẩm hoàn thiện về cả màu sắc và hương vị”, nhà sáng lập Spico nhớ lại.
Hài lòng ở quy mô xưởng chế biến
Giai đoạn 2016 - 2019, Cương từng khởi nghiệp với mong muốn những điều mới mẻ, những sản phẩm lạ lẫm sẽ khuấy đảo thị trường, khi cùng một số thành viên trong gia đình bắt tay sản xuất các sản phẩm từ quả gấc. Nhưng dự án này phải dừng lại vì không đạt kết quả như kỳ vọng.
Sau thất bại đó, Cương dành thời gian nhìn lại chính mình, lắng nghe xem bản thân muốn gì, những giá trị mình theo đuổi trước đây có phù hợp không. Đó là những tháng ngày “ăn không ngồi rồi”, làm chuyện cỏn con như bán dưa muối, nước cam… để mưu sinh. Sau đó, Cương nhận ra rằng, bản thân rời TP.HCM về quê vì yêu gia đình, yêu những giá trị truyền thống, yêu tình cảm mộc mạc ở quê.
“Trước quá trình đô thị hóa càng ngày càng nhanh, những giá trị đó bị che mờ bởi 2 chữ ‘mưu sinh’. Khi bà con không thể làm giàu trên mảnh ruộng quê hương, họ sẽ bán ruộng, bỏ quê đến các khu công nghiệp làm công nhân. Những mối liên kết từ quê nhà cứ thế đứt gãy”, Cương chia sẻ.
Sau 2 năm ra đời, Spico tạo việc làm cho hơn 10 người bản địa, sử dụng nguyên liệu địa phương để sản xuất trung bình mỗi tháng 3.000 - 5.000 sản phẩm. Quy mô Spico còn quá nhỏ, nhưng Cương hài lòng với điều này, khi không tự gọi Spico là một nhà máy, không đi theo hướng công nghiệp, mà chỉ là một xưởng chế biến, một thương hiệu địa phương.
Mỗi sản phẩm của Spico đều được nghiên cứu kỹ để sử dụng các nông sản địa phương và mang văn hóa địa phương. Do đó, khi khách hàng cầm trên tay sản phẩm, có thể cảm nhận được một câu chuyện nào đó mà Spico muốn gửi gắm.
Cương tin rằng, mong muốn thu mua nhiều hơn nguyên liệu ớt và xuất khẩu sản phẩm của Spico sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Trên hành trình thực hiện điều đó, Spico sẽ tiếp tục tìm hiểu những gia vị truyền thống của các dân tộc tại Thanh Hóa để ứng dụng vào những loại sản phẩm mà khách hàng đang ưa chuộng.
THEO HỒNG PHÚC