"Ngoài nhiệt huyết ra thì start up Việt thiếu mọi thứ"

Một số quỹ đầu tư nhận định, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất mở và sôi động nhưng các start up lại thiếu và yếu nhiều kỹ năng quan trọng.

Tại chương trình "Mô hình khởi tạo start up giai đoạn 2022 - 2025 và Kick-off Chương trình Khởi tạo năm 2022" diễn ra vào ngày 31/3, ông Trần Mạnh Trúc đến từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho rằng, các start up Việt đang thiếu nhiều thứ như nguồn lực, kỹ năng, kiến thức và nhân sự.

"Chúng tôi đã và đang hỗ trợ, hợp tác với 20 start up ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để có được 20 start up, chúng tôi đã gặp gỡ hàng nghìn công ty mới tìm ra được nhân tố cần thiết. Vì ngoài nhiệt huyết ra thì start up thiếu mọi thứ", ông Trúc nhận định.

Một số quỹ đầu tư nhận định, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam đang rất mở và sôi động nhưng start up lại đang thiếu và yếu nhiều kỹ năng quan trọng (Ảnh: Hoàng Dung).

Đồng quan điểm, bà Bùi Trang, Giám đốc chương trình Khởi tạo Sun* Startups Việt Nam cho rằng, xét về năng lực công nghệ thì thị trường Việt Nam không thiếu. "Nước ta có nguồn lực về công nghệ, kỹ sư lập trình rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta có sử dụng được nguồn lực đó hay không lại là câu chuyện khác. Đặc biệt với các start up về công nghệ thông tin, các bạn thiếu nhiều thứ. Trong đó, cái thiếu là tư duy, tầm nhìn và kinh nghiệm", bà Trang nói.

Theo bà Trang, ở những giai đoạn đầu, nếu các start up không có tư duy thị trường và định hướng đúng đắn thì rất dễ rơi vào vòng xoáy đốt tiền. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm tốt về công nghệ nhưng cách bố trí các chức năng chưa phù hợp. Điển hình là việc ứng dụng có quá nhiều chức năng mà người dùng không cần dẫn đến việc lãng phí tài nguyên, nguồn lực.

Từ đó, bà cũng chỉ ra điểm yếu chung của start up chính là thiếu kinh nghiệm về thị trường, thiếu kinh nghiệm về việc xây dựng và quản lý phát triển sản phẩm. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều start up "ngã ngựa" và không kịp đi đến các vòng gọi vốn tiếp theo.

Lý giải về nhận định trên, bà Trang cho rằng, nếu các founder (người sáng lập) có nền tảng về kinh doanh, marketing thì họ thường yếu về mặt công nghệ và quản lý sản phẩm. Còn founder có nền tảng công nghệ thường không giỏi việc nắm bắt thị trường, nắm bắt được thói quen của người dùng dẫn đến việc tạo ra sản phẩm quá nhiều chức năng mà không cần dùng đến.

"Sau 3 năm hoạt động ở thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy quá trình xây dựng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần nhiều nguồn lực. Do đó, các start up nên tối ưu sản phẩm ngay từ ban đầu và tập trung vào các chức năng cần thiết. Vì mọi người phải có tiền để sống trước đã rồi mới tính đến gọi vốn và marketing", bà khẳng định. 

Theo bà Trang, sai lầm mà nhiều start up đang gặp phải là không trả lời được câu hỏi  thời điểm nào thì cần ứng dụng công nghệ hay lúc nào thì cần marketing. Nếu không tìm được phương hướng, mọi người sẽ lao vào cuộc đua đốt tiền vô bổ trong khi hiệu quả thu về bằng 0.

"Cái nguy hiểm hơn là tâm lý của người khởi nghiệp sẽ bị ảnh hưởng sau mỗi lần thất bại. Cho nên, tôi không bao giờ ủng hộ việc đốt tiền làm marketing khi nền tảng chưa vững hay kiến thức, kỹ năng chưa đủ", bà Trang nói.

THEO HOÀNG DUNG

(Báo Dân trí)