Thị trường khổng lồ từ khởi nghiệp xã hội

Nếu một mô hình kinh doanh thực sự giải quyết được vấn đề tồn đọng quan trọng của xã hội, thì mô hình đó sẽ thu được tiền từ khách hàng.

Tìm lời giải cho các vấn đề trong cuộc sống

Từng tốt nghiệp MBA loại giỏi tại Mỹ và có cơ hội làm việc tại một công ty đầu tư tài chính ở phố Wall, nhưng Ngô Thùy Anh quyết định từ bỏ để về Việt Nam khởi nghiệp.

Tháng 3/2020, cô thành lập HASU, ứng dụng chăm sóc tinh thần, thể chất dành cho những người từ 50 tuổi trở lên. Tính đến tháng 12/2021, có khoảng 12.000 người cao tuổi đã sử dụng HASU để tập thể dục, giải trí và kết nối. Thùy Anh kỳ vọng, HASU sẽ sớm góp mặt tại các nước phát triển có dân số già.

Ngoài HASU, Thùy Anh cũng là người sáng lập Aligo Kids - nền tảng dạy kỹ năng và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua phim hoạt hình tương tác; Aligo Media - công ty truyền thông chuyên về thiết kế thương hiệu và sản xuất phim hoạt hình; Hộp ký ức - Dự án giúp các gia đình và cá nhân viết cuốn sách của riêng mình để dành tặng những người yêu thương. Hai trong số các dự án này đã có lợi nhuận.

Lý giải về việc chọn khởi nghiệp xã hội, Thùy Anh chia sẻ, tất cả những nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp đều mang trong mình sứ mệnh đi tìm lời giải cho các vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề đó có thể đến từ bất kỳ đâu, từ con người, từ môi trường xung quanh, hay từ trải nghiệm của chính bản thân mỗi người.

Chính “sứ mệnh” phục vụ cộng đồng là kim chỉ nam giúp Thùy Anh và tổ chức vượt qua được những thời điểm nản lòng hoặc khó khăn. “Thực hiện dự án xã hội chính là vừa làm giàu, vừa góp phần xây dựng xã hội và khi giàu có, mình có thể mang sự giàu có đó chia lại cho xã hội”, Thùy Anh nói.

Ở đâu có vấn đề, ở đó có giải pháp

Theo một báo cáo của Global Social Entrepreneurship Network - Mạng lưới Khởi nghiệp xã hội toàn cầu, Mỹ, Canada, Anh, Singapore và Israel là những nước thành công trong việc kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội gắn liền với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Các ý tưởng kinh doanh đến từ việc tận dụng nguồn rác thải để sản xuất phân bón tự nhiên, tạo cơ hội việc làm cho người  thất nghiệp hoặc những mô hình giáo dục sáng tạo để phát triển tiềm năng của trẻ em...

Những mô hình kinh doanh trên vừa tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng.

Trước đây, nhiều start-up luôn đứng giữa luồng suy nghĩ về việc duy trì doanh thu và phát triển bền vững. Sự bền vững thường mang đậm chất lý thuyết, vì tâm lý của nhà đầu tư là luôn muốn kiếm tiền từ những doanh nghiệp có tốc độ phát triển càng nhanh càng tốt.

Các chuyên gia nhấn mạnh, một doanh nghiệp tạo tác động xã hội vẫn là một doanh nghiệp, dù bất kể quy mô như thế nào, dùng sự sáng tạo và mong muốn giải quyết một vấn đề xã hội một cách bền vững.

Ở đâu có vấn đề, ở đó có giải pháp. 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia đang phát triển. Họ đang đối mặt với quá nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, giáo dục, y tế…

Tình trạng thiếu thốn và nhiều bất cập đó tạo ra cơ hội lớn cho những cá nhân, tổ chức đi tìm kiếm những mô hình mới giải quyết được cả vấn đề xã hội, vừa đảm bảo yếu tố kinh doanh và nhân rộng ra được, lặp lại được ở nhiều vùng, nhiều quốc gia.

THEO MINH NGỌC

(Báo Đầu tư)