Bộ KH&CN làm việc với Sở KH&CN TP.HCM về “Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”
Ngày 13/10/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM về báo cáo nội dung dự thảo “Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”.
Mục tiêu buổi làm việc nhằm hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện nội dung Đề án theo Công văn số 3889/SKHCN-QLKH ngày 06 tháng 10 năm 2023.
Tham dự buổi làm việc về phía Bộ KH&CN có ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Nguyễn Tiến Trung - Phó Vụ trưởng, Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương và bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Về phía Sở KH&CN có ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Trần Hữu Chương - Phó Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch Tài chính, bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng, Phòng Quản lý Khoa học, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Kế toán trưởng, Phòng Kế hoạch Tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chuyên viên, Văn phòng Sở, ông Lê Thanh Trang - Chuyên viên, Phòng Quản lý khoa học.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng đã trình bày các nội dung cơ bản của Đề án, cụ thể như:
- Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ một số tổ chức KH&CNcông lập có tiềm lực trên địa bàn Thành phố phát triển trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có ít nhất 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; đến 2045 có ít nhất 5 đơn vị đạt chuẩn quốc tế.
- Đề án tập trung vào 3 (ba) nội dung chính:
(i) Áp dụng chính sách thu hút, giữ chân người tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong các tổ chức KH&CN công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động KH&CN.
(ii) Phát triển nguồn lực lâu dài thông qua việc giao thực hiện những chương trình, dự án KH&CN trung hạn, dài hạn.
(iii) Tháo gỡ những rào cản liên quan thông qua có những cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án KH&CN, cơ chế tài chính liên quan thông thoáng hơn. Đề án sẽ đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế của Thành phố trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra những đột phá trong phát triển và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN đối với sự phát triển bền vững của Thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW là thật sự cần thiết và phù hợp với thực tiễn.
Ông Lê Xuân Định cho rằng đây là một vấn đề cấp thiết và Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đi đầu, được coi là một “sandbox” chính sách, Bộ KH&CN thống nhất chủ trương xây dựng Đề án này. Ngoài ra, đây cũng là nội dung mà Bộ KH&CN, Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình phối hợp số 2029/CTPH-BKHCN-UBNDTPHCM-ĐHQGTPHCM ngày 13 tháng 10 năm 2022. Tuy nhiên, để Đề án thực hiện được thông suốt và chặt chẽ, cần bổ sung và làm rõ thêm quy trình, trình tự thực hiện, cơ chế kiểm soát.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền và ông Nguyễn Tiến Trung thống nhất cho rằng Đề án cần sớm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cần xây dựng, hoàn thiện Đề án và làm rõ quy trình thực hiện Đề án.
Ông Lê Xuân Định cho biết, Bộ KH&CN sẽ giao Vụ Phát triển Khoa học và Công nghệ địa phương làm đầu mối tổng hợp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề án này.
Ông Nguyễn Việt Dũng cám ơn sự ủng hộ của Bộ KH&CN đối với đề án, trong quá trình thực hiện, Thành phố sẽ tổ chức, đánh giá định kỳ và có thông tin, báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ KH&CN.
Thanh Trang – Lam Vân (CESTI)