Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khoẻ tại cơ sở y tế
Dùng AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh thường gặp là một trong những nhu cầu bức thiết, tuy nhiên cơ sở y tế cần có định hướng phát triển trong thu thập, chuẩn hóa,phân tích và xử lý dữ liệu.
Ngày 29/9, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ với chủ đề "Công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ". Hội thảo nhằm hỗ trợ giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thêm thông tin về các xu hướng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tình hình nghiên cứu, ứng dụng AI phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Báo cáo xu hướng ứng dụng công nghệ AI phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Hội thảo, ThS. Lê Trần Duy Sang (CESTI) cho biết tính đến 08/2023, có khoảng 21.514 sáng chế ứng dụng công nghệ AI phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã đăng ký bảo hộ trên thế giới. Số lượng sáng chế ứng dụng AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được đăng ký bảo hộ nhiều nhất ở Trung Quốc, chiếm 48,7% tổng số sáng chế trên thế giới.
Theo cơ sở dữ liệu WIPO Publish của Cục Sở hữu trí tuệ, có 33 sáng chế/giải pháp hữu ích đề cập đến ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Trong đó, có 16 sáng chế/giải pháp hữu ích có chủ đơn là các Viện nghiên cứu, trường Đại học và doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các sáng chế/giải pháp hữu ích ứng dụng AI trong Hệ thống hỗ trợ phân tích và chẩn đoán bệnh; Robot y tế; Thiết bị thông minh hỗ trợ theo dõi sức khỏe; Hệ thống hỗ trợ chăm sóc và trị liệu cho bệnh nhân.
Trong báo cáo về khả năng phát hiện và phân loại một số bệnh ung thư sử dụng tín hiệu/hình ảnh y sinh và mô hình trí tuệ nhân tạo, PGS.TS. Phạm Thị Thu Hiền (Khoa Kỹ thuật Y sinh, Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) khẳng định AI đang dần thay đổi bức tranh toàn cảnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các nghiên cứu trong y sinh học, nhờ vào những tiến bộ trong việc thu thập dữ liệu số hóa, cơ sở hạ tầng máy học và máy tính, mà cụ thể là ngày càng có nhiều hơn các ứng dụng cải thiện chẩn đoán bệnh, chăm sóc bệnh nhân… Thông qua hình ảnh và dữ liệu y sinh, các nhà khoa học đã xây dựng và phát triển thành công các mô hình AI có thể chẩn đoán và phân loại bệnh ung thư, điển hình là: Phân loại hình ảnh mô bệnh học ung thư vú sử dụng mạng lưới thần kinh tích chập (CNN); Chẩn đoán ung thư não trên ảnh MRI - mô hình phân đoạn khối u não (mô hình AI chẩn đoán khối u não); Phân loại ung thư da ở người bằng hình ảnh phân cực và mô hình AI…
Chia sẻ về tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng trong điều trị cho bệnh nhân, PGS.TS Thái Thanh Trúc nhấn mạnh đây là giải pháp hoàn toàn khả thi, có để hỗ trợ trong thực hành lâm sàng nhưng đòi hỏi phải có dữ liệu đầu vào tốt (chất lượng dữ liệu là một vấn đề quan trọng, sống còn), có kế hoạch và chiến lược ứng dụng phù hợp.
Trong khuôn khổ Hội thảo, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Công ty Cổ phần 1SK) đã chia sẻ các xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam như: Giám sát bệnh nhân từ xa (RPM), AI và máy học, Thiết bị y tế có thể đeo được, Công nghệ thực tế ảo tăng cường (VR – AR), Internet of medical things (IoMT). Theo đó, ứng dụng công nghệ AIoHT trong giám sát sức khỏe người bệnh từ xa, 1SK đang cung cấp ứng dụng di động 1SK Health Tracker theo dõi sức khỏe thông minh dành cho người bệnh, cùng nền tảng giám sát người bệnh từ xa cho cơ sở y tế 1SK RPM Platform. Đây là hai giải pháp hỗ trợ nhân viên y tế theo dõi chỉ số sinh hiệu và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân thông qua các thiết bị y tế thông minh, tự động hóa quá trình theo dõi, giúp phát hiện kịp thời tiến triển của bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc, có kết nối mở, linh hoạt, chặt chẽ với các hệ thống công nghệ thông tin y tế sẵn có của cơ sở y tế.
Sau Hội thảo, CESTI tiếp tục đón nhận các ý kiến đóng góp về chủ đề "Công nghệ trí tuệ nhân tạo phục vụ lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ", đồng thời hỗ trợ kết nối cơ sở y tế với Viện trường, doanh nghiệp cung ứng công nghệ, giải pháp được giới thiệu tại Hội thảo, nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển công nghệ, hợp tác thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ, giải pháp.
Hoàng Kim (CESTI)