Cẩn trọng và “thông minh” khi sử dụng ChatGPT

Những ngày gần đây, cả thế giới đang sôi sùng sục với ChatGPT. Sức nóng của nó tại Việt Nam còn kinh khủng hơn nữa! Nhà nhà, người người lao vào tìm hiểu và tìm đủ mọi cách để tải ứng dụng này về với số điện thoại mua từ nước ngoài. Rất nhiều người kỳ vọng chatbot thần thánh này sẽ đóng vai trò chuyên gia biết tuốt mọi lãnh vực để phục vụ cho riêng mình.

Trong hội thảo “Vận hành doanh nghiệp xuất sắc, vượt qua khủng hoảng với 3Ls” diễn ra vào ngày 06/01/2023, thời điểm mà ChatGPT chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam, chúng ta đã từng đề cập đến sự thông minh đáng sợ và những lợi ích của ChatGPT mang lại cho các ngành, trong đó có thể tác động đáng kể đến Phương thức quản trị Lean. Hãy hình dung trong một tương lai rất gần, khi con người đã dạy cho AI những kiến thức về Lean đủ thông minh để khi cần, bạn sẽ đề nghị nó thiết kế một bảng vẽ layout bố trí nhà máy sản xuất theo mô hình Cell với các thông số cụ thể, gợi ý cho bạn giải pháp áp dụng Kanban rút ngắn leadtime, quản lý kho thông minh,… Vậy Lean và các công việc hiện nay liên quan về cải tiến như IE, CI, Kaizen có biến mất hay không?

Vẫn còn quá sớm để khẳng định là chatGPT có thể thay thế Google, làm Lean trở nên lạc hậu và biến mất hoàn toàn một số ngành nghề. Cũng không nên quá tin tưởng và thần thánh hóa nó một cách mù quáng để chia sẻ tuốt tuồn tuột mọi thông tin và dữ liệu nhạy cảm của mình! Với sự phát triển của AI, Chatbot, khối lượng thông tin dữ liệu được thu thập không ngừng tăng lên, đặc biệt khi số users “cuồng tín” tăng lên đột biến chỉ trong một thời gian ngắn . Đã có nhiều bằng chứng là “người bạn tri kỷ” này không đáng tin cậy lắm về các vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, sử dụng và chia sẻ thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng vì để một sản phẩm hướng tới người tiêu dùng như ChatGPT trở nên tốt hơn, nó cần tiếp tục thu thập dữ liệu người dùng để đào tạo mô hình của mình. Đó là một chu kỳ không bao giờ kết thúc, trong đó dữ liệu mới sẽ huấn luyện mô hình để phản hồi tốt hơn, rồi lại tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin mới. Chỉ sau khoảng 2 tháng ra mắt, phương pháp thu thập dữ liệu của ChatGPT rõ ràng đã khiến nhiều công ty lớn phải kinh hãi và lập tức phát cảnh báo tới nhân viên của mình.

Theo Business Insider, ngay cả với Microsoft (là một nhà đầu tư lớn vào OpenAI - công ty đứng sau ChatGPT) và Amazon mới đây cũng đã phải phát cảnh báo đến với nhân viên của mình không được chia sẻ dữ liệu bí mật, nhạy cảm với ChatGPT (xem hình), sau khi phát hiện chatbot này đưa ra những câu trả lời "rất khớp với dữ liệu chỉ lưu hành nội bộ công ty". Việc vô tình chia sẻ các mã phần mềm nội bộ sẽ là nguyên liệu để ChatGPT tiết lộ cho người dùng khác mà không hề quan tâm đến các thỏa thuận không tiết lộ thông tin NDA (Non-disclosure Agreement).

Ngoài ra các điều khoản sử dụng với OpenAI cũng cho phép công ty này sử dụng tất cả các dữ liệu đầu vào và đầu ra do người dùng. Do đó hệ lụy của việc chia sẻ thông tin cá nhân hoặc doanh nghiệp là không lường trước được. Hãy rất cân nhắc và cẩn trọng khi đề xuất nó đưa ra các giải pháp kiểu như “làm thế nào để sugar baby không bị phát hiện”, “nên mua mã chứng khoán nào khi thị trường đang đỏ lửa”, “quỹ đen nên đổ vào đâu”, … nguy hiểm cực kỳ.

Hãy là người sử dụng thông thái các bạn nhé.

Tham khảo: https://baomoi.com/vi-sao-khong-nen-chia.../c/44946167.epi

KHOA NGUYỄN