Nghiệm thu nhiệm vụ đánh giá tác động của việc sử dụng chất thải làm vật liệu san lấp

Những kết quả thu được của nhiệm vụ cho thấy nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG là khá lớn và có khả năng gây tác động đến môi trường cũng như sức khỏe của con người về lâu dài khi không được xử lý triệt để, phải lưu trữ ở các bãi thải hoặc khi sử dụng trực tiếp mà chưa qua xử lý sơ bộ.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Khảo sát, đánh giá tác động của tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG làm vật liệu san lấp”. Đây là nhiệm vụ do Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chủ trì thực hiện.

TS. Thái Phương Vũ (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, nhóm thực hiện đã điều tra phỏng vấn, khảo sát thực địa tại 25 khu công nghiệp, 28 cụm công nghiệp, 6 công trình xây dựng quy mô lớn (đường giao thông), 20 công trình nhà ở quy mô nhỏ tại TP.HCM, 20 bến cảng và bến bãi, 9 kho chứa tại các khu công nghiệp; kết hợp ghi nhận thông tin từ đơn vị quản lý.

Nhóm cũng đã thực hiện nghiên cứu pilot tại Nhà máy điện Duyên Hải và xây dựng pilot mới tại do Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM để đánh giá tác động của việc sử dụng chất thải làm vật liệu san lấp đến sức khỏe con người và môi trường. Qua phân tích, đánh giá tro, xỉ từ số liệu thu thập, nguồn phát sinh và từ pilot, kết hợp thực hiện sàng lọc các yếu tố liên quan đến qui mô công tình và các tác động đến sức khoẻ và môi trường, nhóm nghiên cứu đã xây dựng qui trình đánh giá tác động của việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao FGD và thạch cao PG làm vật liệu san lấp đến sức khỏe con người lồng ghép trong tác động môi trường theo Luật bảo vệ môi trường 2020, xây dựng quy trình giám sát/quan trắc khi thực hiện san lấp mặt bằng.

Những kết quả thu được của nhiệm vụ cho thấy nguồn phát thải tro, xỉ, thạch cao FGD, thạch cao PG là khá lớn và có khả năng gây tác động đến môi trường cũng như sức khỏe của con người về lâu dài khi không được xử lý triệt để, phải lưu trữ ở các bãi thải hoặc khi sử dụng trực tiếp mà chưa qua xử lý sơ bộ. Nhóm thực hiện cũng đề xuất quy trình giám sát/quan trắc khi thực hiện san lấp mặt bằng trên cơ sở các qui định/chính sách liên quan đến công tác quan trắc môi trường hiện nay.

Từ những kết quả quan trắc môi trường không khí, nước và đất, có thể thấy việc sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp mặt bằng có làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường xung quanh. Bụi có thể phát sinh trong quá trình san lấp và có khả năng phát tán cao gây ảnh hưởng đến hô hấp. Các kim loại nặng độc hại như As, Pb và Cr có hiện diện trong nước mặt, đặc biệt là Pb vượt giới hạn cho phép của quy định. As còn được tìm thấy trong nước ngầm và có thời điểm cũng vượt ngưỡng cho phép. Quan trắc môi trường đất phát hiện sự có mặt của As, Pb và Cr, trong đó As có vượt giới hạn cho phép tại vị trí san lấp vào thời điểm sau khi thực hiện san lấp. Để nâng cao tính an toàn, nhóm thực hiện kiến nghị tro, xỉ cần được ngâm chiết, xử lý sơ bộ để loại bỏ kim loại nặng trước khi sử dụng.

THEO HOÀNG KIM

(CESTI)