TP.HCM “đặt hàng” giải pháp xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Chiều 31/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo với chủ đề “Các giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện Inno-coffee năm 2023 (kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu và khu vực công) nhằm kết nối chia sẻ khó khăn trong khu vực công, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, startup đưa những sáng kiến giải quyết vấn đề, đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại sự kiện.

Theo bà Huệ, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triến khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG), Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 – 2030 tại Quyết định số 1039/QĐ-UBND. Kế hoạch này đặt ra 4 nhiệm vụ lớn của TP.HCM, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố có khả năng kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia, cũng như kết nối với các hệ thống TXNG tại các doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ TXNG và doanh nghiệp đang thực hiện áp dụng TXNG).

Ngoài ra, đầu năm 2023, UBND Thành phố đã ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai TXNG trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định 1383/QĐ-UBND. Dựa trên danh mục này, Sở KH&CN là đầu mối sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để đưa danh mục sản phẩm ưu tiên của TP.HCM vào triển khai áp dụng TXNG cũng như kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia.

Trước đó, TP.HCM đã thí điểm áp dụng TXNG cho một số sản phẩm như trứng gia cầm, thịt heo, thịt gia cầm. “Để tiếp tục triển khai, Sở mong muốn hệ thống TXNG sẽ phát huy những kết quả tích cực của đề án thí điểm cũng như kết nối được những cái hiện hữu của doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí cũng như không tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp khi thực hiện TXNG. Do vậy, với sự kiện này, Sở mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp để đưa vào vận hành hệ thống phù hợp nhất, đạt được mong muốn của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng”, bà Huệ cho biết thêm.

Tại sự kiện, bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng – Sở KH&CN TP.HCM) đã trình bày bài toán đặt hàng “Các giải pháp xây dựng, vận hành và phát triển hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố” nhằm đặt hàng nghiên cứu khoa học và công nghệ, tạo cơ hội hợp tác, kết nối, lựa chọn đơn vị xây dựng và vận hành hệ thống quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng trình bày các báo cáo tham luận như Xây dựng và vận hành bền vững hệ thống cổng thông tin TXNG sản phẩm và hàng hóa TP.HCM; Ứng dụng Blockchain trong TXNG - quản trị sản xuất theo chuỗi giá trị; Blockchain và AI sự đột phá trong công tác quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại TP.HCM.

Bà Võ Đình Liên Ngọc (Phó Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng) trình bày "đặt hàng" của Sở KH&CN TP.HCM về Hệ thống thống quản lý thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn Thành phố.

Theo bà Võ Đình Liên Ngọc, tại TP.HCM hiện nay nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã và đang sử dụng nhiều hình thức khác nhau thực hiện TXNG sản phẩm, hàng hóa như dãy mã số mã vạch, mã QR code,… với nhiều loại ứng dụng khác nhau để thực hiện nhận diện và quản lý sản phẩm, hàng hóa. Các sở, ban ngành, cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang sử dụng nhiều cách thức TXNG khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động TXNG chưa mang tính bài bản, chưa kết nối dữ liệu dùng chung, chưa thống nhất về cách thức quản lý, vận hành. Việc thực hiện TXNG tại các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, còn mang tính tự phát, chưa đầy đủ, chưa tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc gia.

Do đó, TP.HCM cần xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc để tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu TXNG sản phẩm, hàng hóa của Thành phố mang tính đồng bộ, công khai, minh bạch, xác thực các thông tin TXNG thông qua việc kết hợp giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin; từng bước nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý; góp phần đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, tăng cường tính giám sát, góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, phục vụ hội nhập quốc tế đối với các sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.

Ông Đào Hà Trung (Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM) trình bày tham luận tại sự kiện.

Các ý kiến trình bày, chia sẻ tại sự kiện cũng cho rằng, vấn đề TXNG ở Việt Nam hiện nay khá thuận lợi với nhiều mô hình truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng đang vận hành thành công; các cơ sở pháp lý về quản lý TXNG chuỗi cung ứng đang dần hình thành; người mua (nhà nhập khẩu, chuỗi bán lẻ, người tiêu dùng) đã nhận thức và yêu cầu về TXNG;… Tuy nhiên, các yêu cầu TXNG chưa bắt buộc về pháp lý; yêu cầu về mô hình Cổng thông tin TXNG tỉnh/thành phố và Quốc gia chưa rõ, nhiều tiêu chuẩn chưa ban hành; việc triển khai quản lý TXNG chuỗi cung ứng cần hợp tác chặt chẽ của các sở ban ngành; vấn đề hài hòa lợi ích của quản lý nhà nước và lợi ích doanh nghiệp khi triển khai TXNG cần được quan tâm;…

Một bài toán lớn đặt ra hiện nay là TXNG không phải tạo ra mã QR xem thông tin “Nhãn hàng hóa điện tử” mà là hệ thống hỗ trợ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Mục đích sử dụng hệ thống TXNG phải nhắm đến hỗ trợ quản lý Nhà nước, quản lý an toàn thực phẩm; hỗ trợ thông tin cho người dân, người tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp về marketing, minh bạch thông tin và quy trình, tăng độ tin cậy, quản lý chuỗi cung ứng, tăng khả năng kiểm soát chéo chuỗi cung ứng và kiểm soát nội bộ.

Phần trao đổi, thảo luận tại sự kiện.

Vì vậy, các giải pháp xây dựng, vận hành hệ thống quản lý thông tin TXNG của TP.HCM cần tuân thủ, đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc gia về TXNG và các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp xu thế trong nước và thế giới như Blockchain, Al, IoT, Big data… Thông tin khai báo theo thời gian thực, đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu và không thay đổi được thông tin TXNG; có khả năng nâng cấp, tích hợp linh hoạt, kết nối thông tin với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp, kết nối đến Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia. Bên cạnh đó, giao diện thân thiện, dễ sử dụng, có thể dễ dàng thao tác và nhập dữ liệu; có chức năng cảnh báo đối với các trường hợp các sản phẩm hàng hoá không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm; dữ liệu truy xuất nguồn gốc được sở hữu, quản lý và lưu giữ tại Thành phố.

Ngoài ra, các ý kiến tại sự kiện cũng đề xuất một số tính năng của hệ thống như quản lý Nhà nước (quản lý an toàn thực phẩm, chống khủng bố thực phẩm, thu hồi sản phẩm, quản lý đàn chăn nuôi và dịch bệnh, quản lý thống kê, giảm thải CO2 trong chăn nuôi và trồng trọt, cung cấp thông tin, dự báo phục vụ các mục đích kinh tế – chính trị – xã hội cho TP.HCM,…); tính năng hỗ trợ doanh nghiệp (thực hiện nghĩa vụ truy xuất nguồn gốc, báo cáo số liệu thuận lợi nhanh chóng, kiểm tra dịch bệnh, vận chuyển, giết mổ, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu,…); hỗ trợ người dân (tra cứu các thông tin về hàng hóa, phản ánh các hiện tượng bất thường, đóng góp ý kiến nhận xét cho chuỗi cung ứng);…

Lam Vân (CESTI)