Tọa đàm đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM
Tọa đàm được tổ chức với mong muốn tạo ra nền tảng vững chắc để Thành phố có thể triển khai các bước đi chiến lược tiếp theo. Với sự hỗ trợ của các chính sách ưu đãi, môi trường pháp lý linh hoạt, nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng hạ tầng công nghệ hiện đại, TP.HCM hoàn toàn có thể phấn đấu trở thành một Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu trong khu vực.
Quang cảnh buổi Tọa đàm.
Sáng 15/1, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm nhằm thảo luận và đưa ra những đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Thành phố. Những ý tưởng và chiến lược được bàn luận tại Tọa đàm không chỉ giúp TP.HCM nâng cao vị thế trong khu vực mà còn mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, theo Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập TTTCQT toàn diện tại TP.HCM và trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng. Theo ông Dũng, TP.HCM đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thu hút các nguồn đầu tư lớn từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ nhiều TTTCQT trên thế giới, TP.HCM cần phát triển cơ chế đặc thù cho TTTCQT tại Thành phố, giúp Thành phố thật sự bước vào “kỷ nguyên vươn mình”, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tổ chức tài chính quốc tế.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại sự kiện.
Một trong những yếu tố quan trọng được nhấn mạnh tại Tọa đàm sáng 15/1 là môi trường pháp lý minh bạch và linh hoạt. Để thu hút các tổ chức tài chính quốc tế, TP.HCM phải xây dựng khung pháp lý rõ ràng, dễ hiểu; nhiều thủ tục pháp lý cần đơn giản hóa, giúp các tổ chức tài chính quốc tế không gặp phải rào cản về mặt quy định khi đầu tư vào TP.HCM; xây dựng cơ chế phải nổi bật quyền hạn của TTTCQT. Song song đó, các quy định về thuế, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bảo đảm an toàn cho giao dịch tài chính phải được điều chỉnh, rạch ròi sao cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Chính sách thuế là yếu tố không thể thiếu khi xây dựng một TTTCQT. Tại Tọa đàm, các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần có chính sách thuế ưu đãi để thu hút tổ chức tài chính quốc tế. Điều này có thể bao gồm nhiều biện pháp giảm thuế hoặc miễn thuế trong khoảng thời gian phù hợp cho doanh nghiệp tài chính, công ty đầu tư nước ngoài, hoặc các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính mới như công nghệ tài chính (Fintech), ngân hàng điện tử và blockchain. Một vấn đề nữa cũng được đề cập trong sự kiện là việc nên cho phép TTTCQT tại TP.HCM thu hút nguồn vốn Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa, các quỹ đầu tư nước ngoài… để có quỹ đầu tư mạo hiểm, nhằm biến sáng tạo thành thực tiễn cho lĩnh vực Fintech.
Ngoài ra, việc tạo dựng cơ chế giải quyết rủi ro nhanh chóng và hiệu quả cũng là một yêu cầu quan trọng khi xây dựng TTTCQT. Rủi ro trong lĩnh vực tài chính quốc tế là điều không thể tránh khỏi, và cơ chế giải quyết minh bạch sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Một số ý kiến cho rằng, TP.HCM có thể xây dựng một trung tâm giải quyết rủi ro tài chính quốc tế, giúp xử lý những vấn đề pháp lý nhanh chóng và công bằng, nâng cao độ tin cậy của Thành phố đối với nhà đầu tư quốc tế.
Ông Trần Quý - Viện trưởng Viện Kinh tế số phát biểu tại sự kiện.
Mặt khác, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, TP.HCM cần tập trung phát triển nguồn nhân lực trong nước có chất lượng cao. Điều này đòi hỏi TP.HCM cần hợp tác với những tổ chức giáo dục lớn trong và ngoài nước để đào tạo chuyên gia tài chính trình độ cao trong các lĩnh vực như quản trị tài chính, ngân hàng, đầu tư, chứng khoán và bảo hiểm. Thêm vào đó, TP.HCM cần xây dựng các cơ sở đào tạo chuyên sâu, cũng như trung tâm nghiên cứu về tài chính quốc tế, nhằm cung cấp cho thị trường lao động những chuyên gia có năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các tổ chức tài chính quốc tế, kèm theo đó là ban hành các chính sách thu hút nhân tài nhằm tránh “chảy máu chất xám”.
Để đáp ứng các yêu cầu của nền tài chính quốc tế, TP.HCM cũng cần đặc biệt phát triển hạ tầng công nghệ hiện đại. Giới chuyên gia nhận định rằng, công nghệ thông tin và các nền tảng giao dịch tài chính điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm tài chính sáng tạo, từ ngân hàng điện tử, thanh toán quốc tế đến các công nghệ blockchain, hay AI trong tài chính. TP.HCM cần tạo ra một hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ các giao dịch tài chính nhanh chóng, an toàn và hiệu quả. Cùng với đó, nền tảng tài chính số sẽ giúp TP.HCM dễ dàng kết nối với thị trường quốc tế, mở rộng khả năng hợp tác với các tổ chức tài chính lớn trên thế giới. Để làm được điều này, có ý kiến cho rằng, TP.HCM nên sớm đề xuất cơ chế tự chủ trong việc xây dựng Trung tâm dữ liệu cloud đặt tại Thành phố, đẩy nhanh quá trình phát triển hạ tầng công nghệ.
Sự kiện nhận được nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp của các chuyên gia và khách mời.
Việc xây dựng cơ chế đặc thù cho TTTCQT tại TP.HCM sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả TP.HCM và nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, cơ chế thuế ưu đãi và môi trường pháp lý thuận lợi sẽ giúp TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các tổ chức tài chính quốc tế, từ đó thu hút nguồn vốn lớn vào Việt Nam; giúp TP.HCM trở thành một TTTCQT, nâng cao uy tín của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu; thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và Fintech, tạo ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong nước; tạo cầu nối giữa các tổ chức tài chính quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, công cuộc này sẽ gặp không ít thách thức. Các chuyên gia cảnh báo rằng Thành phố sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hong Kong, Thượng Hải…
Qua những chia sẻ tại sự kiện, các đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu, khách mời cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp phục vụ việc vận hành TTTCQT sắp tới, tập trung một số điểm chính như: cần phát triển chiến lược dài hạn với các chính sách đột phá về thuế và hạ tầng công nghệ, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá quốc tế để thu hút những nhà đầu tư tài chính lớn. Đặc biệt, TP.HCM cũng cần xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế, học hỏi từ những trung tâm tài chính điển hình và đẩy mạnh việc cải cách hệ thống pháp lý, giúp Thành phố ngày càng hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư…
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM bày tỏ, qua Tọa đàm lần này, các đề xuất có giá trị đưa ra trong buổi trao đổi sẽ là cơ sở để lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện chiến lược, chọn lựa được nhiều giải pháp hiệu quả phục vụ công tác vận hành TTTCQT toàn diện tại TP.HCM thời gian tới, nhằm giúp Thành phố tiến nhanh trên con đường phát triển và hội nhập thế giới.
Minh Nhã (CESTI)